Phải báo cáo được nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh khiếu nại tố cáo

Sáng 8/3, Đoàn giám sát chuyên đề của UBTVQH về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” đã tổ chức phiên họp lần thứ 2. Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương yêu cầu Báo cáo giám sát cần cho thấy được bức tranh về tình hình tiếp công dân và giải quyết khiếu tại, tố cáo.

Theo dự thảo Báo cáo bước đầu cho thấy, việc ban hành văn bản hướng dẫn của các cơ quan còn chậm, chưa kịp thời. So với giai đoạn 2011-2016, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng. Số lượt đoàn đông người tăng nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước giảm. Tình trạng công dân khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền còn diễn ra khá phổ biến. 

Thường trực Đoàn giám sát cũng dự kiến về việc thành lập 2 Đoàn giám sát tại 5 tỉnh, thành phố và làm việc với các bộ ngành Trung ương về 1 số lĩnh vực quản lý nhà nước tiềm ẩn phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo. Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, Báo cáo cần nêu rõ những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh khiếu nại tố cáo, khiến các vụ việc chưa được giải quyết hoặc chỉ giải quyết được một phần. Trong quá trình giám sát, cần lựa chọn các vụ việc điển hình, kéo dài; xem xét việc ban hành các văn bản chỉ đạo của Bộ ngành địa phương và yêu cầu chỉ rõ trách nhiệm cụ thể, đề xuất hướng giải quyết. Báo cáo cũng cần đánh giá bước đầu về hệ thống văn bản pháp luật, trong đó chỉ ra những bất cập, những nội dung chưa được quy định trong Luật và các văn bản hướng dẫn, những quy định không còn hiệu lực hoặc chậm hướng dẫn. Báo cáo cũng cần nêu rõ kiến nghị của Đoàn giám sát trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao các ý kiến góp ý, thảo luận sâu sắc cả về bố cục và nội dung Báo cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Báo cáo cần đánh giá cả về số lượng và chất lượng các báo cáo mà Bộ ngành, địa phương gửi về Đoàn giám sát. Báo cáo cần cho thấy được bức tranh bước đầu về tình hình, kết quả, nguyên nhân, bất cập hạn chế về tiếp công dân và giải quyết khiếu tại tố cáo. Trong đó nêu cả hướng kiến nghị sửa luật (bao gồm cả các luật về tiếp công dân, khiếu nại tố cáo và các luật chuyên ngành) với những điều khoản cụ thể và những dự kiến kiến nghị với Chính phủ, các địa phương. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho ý kiến về một số nội dung trong Báo cáo như: Dự kiến lựa chọn các bộ ngành, địa phương Đoàn sẽ tiến hành giám sát và các vụ việc cụ thể; kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai giám sát./.

Khắc Phục