Phân bón giả còn "hoành hành" ở Đắk Lắk đến bao giờ?

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ phân bón giả, kém chất lượng và gây cho người nông dân nhiều hệ luỵ.

Từ đầu năm 2022 đến nay, qua kiểm tra 23 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã xử lý 21 vụ vi phạm, phát hiện 7 mẫu phân bón không đạt chất lượng. Điều này khiến nông dân đang rất lo lắng khi nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang ngày càng cao mà mặt hàng giả, hàng kém chất lượng lại trà trộn vào thị trường.

Ông TRẦN VĂN CHƯƠNG, Xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk: “Nông dân không biết phận biệt phân giả, phân kém chất lượng đâu, mình mua tin tưởng đại lý nào mình mua về bỏ thôi. Mua trúng phân giả thì bỏ 3,4 cây mưa nhưng vẫn không tán hết." 

Và đây là chiếc ô tô mang biển số 47C-122.95 cùng kho hàng do Huỳnh Tấn Đàn là giám đốc, tại Thôn 6, xã Hoà Thuận, TP Buôn Ma Thuột vừa được lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk  tiến hành kiểm phát hiện, tạm giữ trên 100 tấn phân bón nghi giả và 30 tấn nguyên liệu chưa rõ nguồn gốc xuất xứ cùng các trang thiết bị sản xuất phân bón. Bước đầu lực lượng chức năng đã xác định, măc dù không được các cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, nhưng vào tháng 5/2020, Đàn đã đăng ký thành lập Công ty TNHH XNK Thương mại Nông nghiệp Thịnh Phát, trụ sở tại Phường 3, quận Gò Vấp, Hồ Chí Minh để tạo vỏ bọc, đồng thời tiến hành hoạt động sản xuất, mua bán phân bón trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không thông báo với chính quyền địa phương.

Phóng viên Nguyễn Hòa: “Thưa quý vị, bên cạnh tôi đây là một khu vực tổ chức sản xuất phân bón giả, kém chất lượng vừa bị lực lượng công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện và bắt giữ. Qua vụ việc này, cho thấy các đối tượng tổ chức sản xuất phân bón giả, kém chất lượng này nằm ngay tại gần khu dân cư. Chính vì vậy trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý để kịp thời ngăn chặn nạn sản xuất phân bón giả, kém chất lượng đang hoành hành đang gây cho người nông dân lao đao như ở Tây Nguyên hiện nay.”

Ông NGUYỄN VĂN CƯỜNG, Xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk: “Công nhân nó làm xong vô đóng cổng lại thôi, đâu ai vô được mà biết. Làm khoảng 4,5 năm, nhưng trước đây nó làm phân vi sinh. Hồi trước ở đây có một số người đi vô đó làm phân vi sinh. Sợ phân bón giả lắm, thì bỏ vô thì nó không chất lượng nó trật đợt phân của mình và nó hư cây hết. Bây giờ cái cây sầu riêng bây giờ phân phải đúng như vậy, số lượng kali nhiều, mà phân kali nó mắc nó giảm đi thì dư đạm mà dư đạm thì rụng hết trái.”

Thượng tá NGUYỄN HUY THÀNH, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk: “Ngoài công tác tuyên truyền, sẽ xây dựng kế hoạch cho đi kiểm tra tất cả các đại lý buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và yêu cầu các đại lý nhập hàng chính hãng để bán cho bà con nông dân.”    

Trước hàng loạt vụ việc liên quan đến nguồn gốc xuất xứ cũng như phân bón giả kém chất lượng ảnh hưởng đến người dân thì bên cạnh sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, người dân cũng nên cân nhắc để lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chất lượng đảm bảo để tránh những thiệt hại không đáng có trong sản xuất nông nghiệp. 

Duy Hòa - Việt Bảo