Phân loại cấp độ thảm họa, sự cố, bổ sung quy định tình huống khẩn cấp trong dự thảo Luật Phòng thủ dân sự

Cần quy định rõ cách phân loại cấp độ thảm họa, sự cố; bổ sung thêm quy định đối với các tình huống khẩn cấp; trách nhiệm đơn vị chủ trì và các bộ ngành tham gia phối hợp... là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm và cho ý kiến trong buổi Hội thảo góp ý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự do đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 23/8.

Theo đại biểu, quy định phân loại cấp độ thảm họa, sự cố tại điều 22 của dự thảo luật chủ yếu dựa trên cơ sở về phạm vi địa giới hành chính và mức độ thiệt hại để phân thành các cấp. Với một số trường hợp, các quy định này sẽ gặp khó khăn khi áp dụng.

Thượng tá LÊ MẠNH HÀ – Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh: “Khu vực giáp ranh, phạm vi địa giới hành chính lớn nhưng mức độ lại không lớn, quy định cứng nhắc sẽ không phù hợp và lãng phí. Sự cố an ninh mạng, công nghệ thông tin rất khó để xác định địa giới hành chính”.

Đại biểu đề nghị, bên cạnh quy định liên quan tới các thảm họa, sự cố đã và đang diễn ra cũng cần phải có thêm các điều khoản cho các tình huống khẩn cấp.

Ông TẠ ĐĂNG QUỐC VŨ – Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh: “Tình huống là một dự báo có thể xảy ra, nhằm mục đích để các cơ quan, ban ngành có liên quan chuẩn bị khi các tình huống đã dự báo xảy ra rồi sẽ có giải pháp ứng phó kịp thời, tăng tính chủ động, hạn chế rủi ro, thiệt hại”.

Đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm đơn vị chủ trì và các bộ ngành tham gia xây dựng, phối hợp, chia sẻ thông tin trong việc xây dựng công nghệ dữ liệu; giao Chính phủ tổng hợp và quy định cấp độ thảm họa, sự cố để tăng tính thống nhất giữa các bộ, ngành. Đặc biệt, để tránh chồng chéo, lúng túng khi luật có hiệu lực thi hành nên xem xét bỏ các quy định về phòng thủ dân sự đã có tại các luật hiện hành.

Thùy  Vân