Phát huy lợi thế riêng có của vùng Tây Nguyên

Đến năm 2030, vùng Tây nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh; là vùng giàu bản sắc văn hóa dân tộc, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách,… Đây là những "mục tiêu tổng quát" đặt ra tại dự thảo Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiều nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch này.

Theo dự thảo, vùng Tây Nguyên sẽ được phát triển theo mô hình: 3 cực – 3 tiểu vùng – 5 hành lang. Trong đó 3 cực phát triển gồm: thành phố Pleiku, thành phố Buôn Ma Thuột, thành phố Đà Lạt. 3 tiểu vùng gồm Bắc Tây Nguyên, Trung Tây Nguyên, Nam Tây Nguyên. Cùng với đó là 5 hành lang gồm 4 hành lang cao tốc và 1 hành lang cửa khẩu.

Các ngành có lợi thế như nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo được xem là trọng tâm phát triển kinh tế. Quy hoạch cũng nhấn mạnh việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Tây Nguyên. Nhiệm vụ hàng đầu của Tây Nguyên với cả nước là bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Tại cuộc họp, các nhà khoa học cho rằng quy hoạch Tây Nguyên cần thể hiện được điểm nhấn của vùng so với các quy hoạch vùng khác.

Không chỉ liên kết trong vùng, các chuyên gia cho rằng Tây Nguyên cần chú trọng liên kết với các vùng lân cận để tránh tình trạng bị biệt lập. Bởi Tây Nguyên cách xa trung tâm kinh tế lớn, cảng biển lớn, chủ yếu kết nối bằng tuyến đường bộ, chưa có mạng lưới đường cao tốc, đường sắt.

Gợi ý hoàn thiện về Quy hoạch, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng những chính sách, giải pháp đột phá ở Tây Nguyên phải làm rõ những vấn đề có tính văn hoá, dân tộc, tôn giáo riêng khác của vùng. Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng cần chú trọng để Tây Nguyên phát triển bền vững.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chương trình!

Đỗ Minh -

Đức Minh