Phạt tiền khi không phân loại rác: Phân loại xong lại cho hết vào 1 xe gom?

Theo nghị định 45 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ 25/8 các hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị xử phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khó có thể xử phạt hành vi không phân loại rác thải từ 25/8 tới.

Gia đình bà Nguyễn Thị Dần, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội luôn chủ động phân loại rác thải sinh hoạt như thế này, tuy nhiên, túi đựng rác thải sinh hoạt mà bà Dần sử dụng vẫn là loại túi ni-lon bình thường, loại dễ dàng mua được, hay nhìn thấy ở bất kỳ cửa hàng tạp hóa nào.

Bà NGUYỄN THỊ DẦN, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: “Chúng tôi vẫn chủ động phân loại rác thải sinh hoạt, nhưng điểm thu gom không có chỗ để rác thải sau phân loại.”

Tại điểm thu gom rác thải sinh hoạt trên phố Lý Đạo Thành, Hoàn Kiếm, Hà Nội, hay bất kỳ điểm thu gom rác thải sinh hoạt khác trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội, người dân chỉ nhìn thấy 1 kiểu xe gom rác như thế này. Rác thải nói chung, và rác thải sinh hoạt nói riêng, đều được gom chung vào xe chứa rác, và đến giờ quy định, vận chuyển lên thùng xe, đem đi xử lý.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bắt buộc phân loại rác thải sinh hoạt theo quy định của Nghị định 45 sẽ khó có đủ căn cứ để xử phạt nếu chỉ bắt buộc người dân chủ động phân loại rác thải, nhưng đơn vị thu gom, xử lý rác thải lại không thực hiện.

Ông LÊ ĐỖ PHƯƠNG, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: “Cần trang bị đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết để thu gom và vận chuyển rác thải đã phân loại.”

Bà LÊ PHƯƠNG HOÀNG YẾN, Chủ tịch UBND phường Tràng Tiến, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: “Người dân cần được nâng cao nhận thức về việc phân loại rác thải, đồng thời hiểu rõ thế nào là rác hữu cơ, rác vô cơ và rác thải tái chế.”

Người dân, và chính quyền cơ sở đều ủng hộ việc phân loại rác thải sinh hoạt đầu nguồn, tuy nhiên, ngoài việc tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể, thì việc làm thiết thực nhất trong giai đoạn này, chính là trang bị các loại thùng chứa rác hợp chuẩn cho các khu dân cư, cứ khoảng vài hộ dân sẽ có 3 thùng rác loại lớn với 3 màu khác nhau để phân biệt rác sinh hoạt, rác nguy hại, rác tái chế để người dân tự bỏ rác sau khi đã phân loại.

Hoàng Tùng