Phát triển cây dược liệu quý - hướng đi mới thoát nghèo cho bà con vùng cao

Trồng, chế biến cây dược liệu tại các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai đang từng bước giúp đồng bào chuyển đổi cây trồng, giảm nghèo hiệu quả và bảo tồn nguồn gene dược liệu quý.

Có khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao, Huyện Si Ma Cai thuận lợi để phát triển nhiều loại cây dược liệu. Hiện nay, nông dân xã Lùng Thẩn trồng trên 16,5ha cây cát cánh, trong đó, nhiều hộ dân đã từng tham gia trồng dược liệu như đương quy, tam thất những năm trước.

Không chỉ tại Lùng Thẩn, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai cũng mạnh dạn chuyển đổi đất ngô, lúa nương kém hiệu quả sang trồng các loại dược liệu như gừng, đương quy, cát cánh. Đáng chú ý là hầu hết diện tích trồng đều có liên kết với doanh nghiệp.

Cùng với Si Ma Cai, Sa Pa được mệnh danh ‘thủ phủ” của dược liệu khi có nhiều loại quý hiếm. Ngoài việc đẩy mạnh quy hoạch, mở rộng diện tích, tạo sinh kế bền vững cho người dân, địa phương này đang tập trung nâng cao giá trị cây dược liệu.

Cây dược liệu là một trong những cây hàng hóa chủ của tỉnh Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc đẩy mạnh khai thác lợi thế trong phát triển cây dược liệu đang giúp tỉnh Lào Cai phát huy hiệu quả tiềm năng điều kiện tự nhiên, đồng thời góp phần ổn định sinh kế cho người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Như Huỳnh