Phát triển ngành nuôi biển công nghiệp: Thiếu chính sách, tiêu chí để áp dụng rộng rãi

Trong những năm qua, ngành thuỷ sản đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Thế nhưng do phát triển ồ ạt, mang tính chất nhỏ lẻ, thiếu sự quy hoạch và quản lý, nên không thể phủ nhận, hoạt động khai thác và nuôi trồng thuỷ hải sản gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường.

Không thể phủ nhận, các tác động môi trường liên quan đến khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản trên biển. Nếu như không được kiểm soát, nó có thể gây những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của đại dương, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường sống của con người, ngoài ra còn góp phần gây biến đổi khí hậu.

Không khó để tìm thấy những chiếc thuyền đánh cá bằng “lồng bát quái” kiểu này ngay tại vùng biển gần bờ thuộc đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng. Điều đáng nói, những ngư dân ở đây người thì không hề nhận thức được những tác hại đối với môi trường của việc sử dụng ngư cụ này, người thì dù biết nhưng vì cuộc sống mưu sinh, bao năm qua họ vẫn làm. 

Anh ĐÀO VĂN VƯƠNG, Huyện Cát Bà, thành phố Hải Phòng: “Tôi nói thật là cũng chưa nắm được nhiều nhưng mà cũng biết là nó cũng ảnh hưởng nhưng do cuộc sống hơn nữa chúng tôi cũng đã gần 50 tuổi nên cũng phải làm để có con cua con cá cho các cháu đi học thôi. Các cháu còn đang tuổi học hành nên đành vậy chứ tôi cũng biết chứ không phải là không biết.”

Khai thác tận diệt – là thực trạng đáng báo động tại hầu hết các ngư trường hiện nay. Nhiều hình thức đánh bắt dù bị coi là vi phạm pháp luật như: sử dụng mìn, thuốc nổ, kích điện, te điện, thậm chí cả chất độc cyanua…vẫn diễn ra một cách tràn lan. Dù lực lượng chức năng đã vào cuộc, nhưng việc kiểm tra, kiểm soát trên biển gặp vô vàn khó khăn. 

Ông PHẠM VĂN TÔN, Phó Trạm trưởng Trạm kiểm ngư Cát Bà, thành phố Hải Phòng: “Phương tiện con người thì rất là hạn chế, lưc lượng rất là mỏng và chưa được thường xuyên vả lại các phương tiện hành nghề sai quy định càng ngày hoạt động càng tinh vi và hoạt động trong điều kiện sóng gió ngoài khơi xa và ngư dân cũng nắm được kế hoạch của đoàn kiểm tra kiểm soát và đoàn thanh tra cho nên họ có cách để lẩn trốn.”

Các phương thức đánh bắt này không chỉ làm cạn kiệt, diệt chủng các loài thủy hải sản mà còn tàn phá môi trường, hệ sinh thái biển một cách nghiêm trọng. Ngoài ra, sự vận hành của các tàu cá cũng là nguồn phát thải khí nhà kính lớn gây biến đổi khí hậu. Thời gian qua, sự gia tăng tự phát, không theo định hướng số lượng tàu cá, đặc biệt là những tàu cá có công suất nhỏ cũng là vấn đề đáng lo ngại. 

GS.TS PHẠM HÙNG VIỆT, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển bền vững: “Chúng ta không quản lý được về đánh bắt, đặc biệt đánh bắt xa bờ, ngay bản thân người dân Việt Nam cũng ko theo quy luật, đôi khi họ dùng những phương tiện không được hợp pháp ví dụ dùng điện, hoá chất, họ tận diệt rất nhiều những loại thuỷ hải sản, cũng mang lại rất nhiều ô nhiễm cho môi trường biển.”

Không chỉ khai thác tận diệt, nuôi trồng thuỷ sản trên biển theo phương thức truyền thống cũng có thể gây ra những tác động xấu đến môi trường. Theo Nghiên cứu, chất thải trong quá trình nuôi biển là điều kiện thuận lợi để tảo độc phát triển. Các bè khi nuôi đã đổ một lượng không nhỏ thức ăn chưa phân hủy hết của cá ra môi trường khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mặt khác, do chủ yếu hiện nay tại Việt Nam vẫn sử dụng lồng bè nuôi bằng phương pháp thủ công, thô sơ từ tre, gỗ, xốp, những vật liệu này khi chịu sự tác động, va đập của sóng gió bị rã ra gây ô nhiễm mặt nước.

PGS.TS NGUYỄN CHU HỒI, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: "Cái nuôi của chúng ta đã gọi là nuôi biển chủ yếu nuôi ở cửa sông ven biển cho nên ở cái mức độ tập trung cao, quy hoạch không chuẩn cho nên gây tác động đến môi trường và làm suy giảm các nguồn tài nguyên, mà đôi khi nó còn tác động đến những các ngành khác, vì thủy sản thì nhìn từ góc độ môi trường nó vừa là nạn nhân nó vừa là thủ phạm. Nếu không quản lý tốt và nếu không hướng tới bền vững thì nó cũng tác động đến các ngành khác."

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, các hệ sinh thái biển đã bị suy giảm đến mức báo động, trong 60 năm qua diện tích rừng ngập mặn đã giảm đi 1 nửa, rặng san hô trong gần 20 năm trở lại đây giảm xuống chỉ còn hơn 10%. Độ bao phủ của hệ sinh thái thảm cỏ biển giảm chỉ còn một nửa trong vòng 10 năm trở lại đây. Có thể nỏi, hệ luỵ của khai thác tận diệt và nuôi biển thiếu quản lý là không thể phủ nhận.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh và biến động quốc tế, trong năm 2022, ngành thủy sản xác định điều chỉnh giảm dần việc khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng. Đặc biệt là để bảo vệ môi trường, ngành đã đề ra định hướng cần đẩy mạnh xây dựng nền công nghiệp nuôi biển, với phương thức hiện đại và công nghệ cao giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường. 

PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN CÔNG NGHỆ CAO LÀ CẦN THIẾT

Thay thế các vật liệu cũ như tre, gỗ, xốp…bằng các vật liệu thân thiện với môi trường trong ngành nuôi biển có lẽ là giải pháp mà nhiều tỉnh, thành ven biển đã thực hiện trong thời gian gần đây. Như tại Quảng Ninh, tỉnh đã đặt mục tiêu năm 2022, tất cả các hộ nuôi biển phải thay thế vật liệu nổi đang sử dụng sang vật liệu đạt quy chuẩn. Khánh Hòa cũng từng bước chuyển đổi hệ thống lồng bè sang vật liệu HDPE kiểu Nauy, hướng ra xa bờ để giảm áp lực lên môi trường.

Anh NGUYỄN VĂN NAM, Cán bộ Kỹ thuật thuỷ sản công nghệ cao: “Về công nghệ này bản chất của Na Uy nhưng chúng tôi đã Việt hoá nó đi để phù hợp với điều kiện, khí hậu của Việt Nam. Lồng được thiết kế có khả năng chịu được điều kiện sóng gió khắc nghiệt trên biển đồng thời giảm việc khai thác gỗ rừng tự nhiên để làm lồng cá.”

Ngoài vấn đề về vật liệu lồng bè, công nghệ nuôi tiên tiến cũng được áp dụng để bảo vệ môi trường, tăng năng suất nuôi trồng. Nhiều hộ ngư dân đã chuyển sang cho ăn bằng thức ăn công nghiệp thay vì tôm, cá thả xuống biển gây ô nhiễm nguồn nước như trước đây. Cùng với đó cũng xây dựng hệ thống camera giám sát để kiểm tra được lượng thức ăn dư thừa và kiểm soát được môi trường, oxy, độ PH…của nước.

Tuy nhiên, để nhân rộng chuyển đổi sang nuôi biển công nghệ cao, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản. Trong đó, khó khăn lớn nhất phải kể đến là vấn đề nguồn vốn, trình độ ngư dân bởi việc đầu tư phải bài bản, ổn định trong thời gian dài.

PGS.TS NGUYỄN HỮU DŨNG, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam: “Về tài chính thì chúng ta đang rất thiếu để đầu tư vào những công trình hiện đại lâu bền để phát triển nuôi biển và tiếp theo nữa là vấn đề vì con người chúng ta chưa có chương trình đào tạo với vì bậc đại học cũng như là một công nhân để có thể thực hiện cho ngành công nghiệp nuôi biển cái nữa là về vấn đề tổ chức, nữa là chuyện chúng ta đầu tư bài bản nó cần phải có quyền sử dụng cái vùng biển đó một cách lâu dài thì chúng ta chưa làm được.”

Phát triển hoạt động nuôi biển công nghệ cao là rất cần thiết trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng như hiện nay. Thế nhưng trước những khó khăn, thách thức hiện có, cần phải làm gì để xây dựng một nền công nghiệp nuôi biển, hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững?

LÀM GÌ ĐỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH THUỶ SẢN GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG?

PGS.TS NGUYỄN CHU HỒI, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: “Chúng ta cũng bắt buộc phải điều chỉnh lại quy hoạch làm sao mà tập trung từ ba hải lý là cái vùng ven sát bờ thì chúng ta giải quyết tốt cái hậu quả hiện nay người dân đang nuôi rất là mật độ rất dày đặc, tùy muốn điều chỉnh lại thì chúng ta phải chú ý cái quy hoạch ở trong phạm vi ba hải lý và cũng phải yêu cầu lấy cái hàng rào Phi thuế quan đó là những cái tiêu chí việc hoặc công nghệ tiêu chí về môi trường tiêu chí về bảo vệ và tiêu chí về quản trị mới để yêu cầu người dân phải điều chỉnh lại cho hướng đó.”

Anh NGUYỄN VĂN NAM, Cán bộ Kỹ thuật thuỷ sản công nghệ cao: “Nuôi biển, hiện tại thì ở Việt Nam mình thì chưa có một cái thống nhất về mặt quản lý giám sát vấn đề công việc mình đặt ra những trình tự quy chuẩn là chẳng hạn lựa chọn vùng nuôi rồi quản lý giám sát môi trường, rồi những cái quy chuẩn để sau này áp dụng một cách rộng rãi đối với lại những cái mô hình hoặc là nhà đầu tư tiếp theo.”

PGS.TS NGUYỄN HỮU DŨNG, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam: “Cái chúng ta cần bây giờ là cơ chế tài chính cho người dân các tổ chức, các thể chế chính sách pháp luật ngành kinh tế biển trong đó cần lưu ý cần phải có là những quy chế những cái chuẩn mực bằng kinh tế, tuân thủ để mà có thể phát triển lâu dài và cái nữa mà chúng ta cần phải nhớ khi phát triển ưu tiên đó là bền vững, bền vững là cái tiêu chí hàng đầu không phải là cho nhân loại mà cho chính những người nuôi.”

Để phát triển ngành thủy sản nói chung, ngành nuôi biển nói riêng cần phải gắn mục tiêu kinh tế với trách nhiệm bảo vệ môi trường, cần áp dụng công nghệ hiện đại để đạt hiệu quả, bền vững và "xanh" hơn. 

Kim Ngọc