Phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo: Giảm chi phí, tăng năng suất

Tại vùng Tứ giác Long Xuyên, những năm gần đây, tại các tỉnh được xem là vựa lúa của cả nước như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp năng suất lúa không tăng. Không những thế, chi phí sản xuất còn có chiều hướng tăng từ 3 đến 4 lần so với những năm trước. Trước thực trạng trên, cần có những giải pháp bền vững để giảm chi phí, tăng năng suất, ổn định đầu ra để bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Đây là 50 ha vùng lúa nguyên liệu tại tỉnh An Giang. Tại vùng nguyên liệu này, tất cả các khâu từ gieo cấy đến thu hoạch đều được ứng dụng gói kỹ thuật tiên tiến và đồng bộ. Không những thế, ngay cả chi phí sản xuất cũng được phía công ty bao tiêu ứng trước cho bà con.

Do tất cả các khâu đều được thực hiện một các bài bản theo quy trình từ phía công ty nên nông dân tốn rất ít công sức canh tác, lúa thì ít sâu bệnh, chất lượng hạt lúa cũng được đảm bảo.

Mặc dù chưa đến kỳ thu hoạch nhưng ông Dũng, người canh tác 2 ha trong trong mô hình rất tự tin với vụ lúa này.

Có thể nói, tại vùng nguyên liệu này, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm đều được liên kết một cách chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp. Nông dân được lợi, phía công ty cũng đảm bảo được nguồn cung ứng.

Trung tâm khuyến nông Quốc gia cho biết, dự án xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao là đề án lớn đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Trước mắt, trung tâm sẽ thí điểm mô hình ở 2 địa phương là An Giang và Kiên Giang với 50ha mỗi địa phương.

Đến năm 2024, vùng nguyên liệu sẽ mở rộng lên khoảng 600 ha với thêm 2 tỉnh tham gia là Đồng Tháp và Long An. Và nếu đạt đủ điều kiện, lúa tại vùng nguyên liệu sẽ được cấp mã số vùng trồng, mở đường cho việc xuất khẩu gạo chất lượng cao ra các thị trường khó tính trên thế giới và lợi nhuận của nông dân cũng sẽ tăng hơn 15% so với canh tác theo kiểu đại trà.

Hà Lan