Phi hành gia Trung Quốc trở về Trái đất sau 6 tháng trên vũ trụ

Trung Quốc hiện đang nổi lên với tư cách một cường quốc với tham vọng chinh phục không gian. Mới đây, các phi hành gia Trung Quốc thuộc sứ mệnh Thần Châu -13 đã quay trở về trái đất an toàn, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong sứ mệnh không gian khéo dài 6 tháng trên vũ trụ.

Tàu vũ trụ Thần Châu 13 đã hạ cánh xuống sa mạc Gobi ở khu vực phía Bắc khu tự trị Nội Mông, quá trình hạ cánh đã được chiếu trực tiếp trên kênh Truyền hình nhà nước Trung Quốc. Trong sứ mệnh, phi hành gia Vương Á Bình là nữ phi hành gia Trung Quốc đầu tiên thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian.

Phi hành gia VƯƠNG Á BÌNH: "Chuyến du hành vũ trụ kéo dài 180 ngày không hề dễ dàng, nhưng chúng tôi không cô đơn, bởi chúng tôi có sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của mọi người.”

Các nhà du hành trên bắt đầu sứ mệnh từ tháng 10/2021. Tàu Thần Châu-13 được phóng đi từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi tại miền Bắc Trung Quốc, đưa các nhà du hành này lên Trạm vũ trụ Thiên Cung làm việc trong 6 tháng qua. Đây là phi hành đoàn thứ hai trên trạm không gian Thiên Cung. Trạm không gian Thiên Cung được cấu thành bởi 3 phần, trong đó module lõi Thiên Hà của trạm đã được ra mắt vào tháng 4/2021. Hai module nữa dự kiến sẽ được bổ sung trong năm nay.

Trong sứ mệnh lần này, các phi hành gia đã 2 lần thực hiện các chuyến đi bộ ngoài không gian. Ngoài ra, họ cũng đã tiến hành một số thí nghiệm khoa học và công nghệ, từ đó xác định được các công nghệ quan trọng đối với việc xây dựng và vận hành trạm vũ trụ để hỗ trợ các phi hành gia ở lại lâu dài trên trạm trong tương lai. Theo kế hoạch, thời gian trung bình cho một chuyến công tác của các phi hành gia trên Trạm Thiên Cung là 6 tháng.

Trung Quốc bắt đầu xây dựng Trạm vũ trụ Thiên Cung vào tháng 4/2021. Sau khi hoàn thành, trạm không gian này sẽ hoạt động ở độ cao từ 400 - 450km so với bề mặt Trái đất và có thể hoạt động ổn định trong thời gian 10 năm./.

Bùi Thảo