Quan hệ kinh tế Mỹ - Trung khó tách rời

Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk vừa có chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên sau hơn 3 năm, với các cuộc gặp các quan chức hàng đầu của nước này và thăm siêu nhà máy của Tesla tại Thượng Hải. Chuyến thăm này, cùng với những chuyến thăm trước đó của một loạt các CEO Mỹ tới Trung Quốc, dường như đang tương phản với ý tưởng Mỹ “tách rời kinh tế” khỏi Trung Quốc.

TỪ CHUYẾN ĐI CỦA ELON MUSK…

Chuyến đi của CEO Tesla Elon Musk tới Trung Quốc thu hút sự quan tâm lớn của người dân nước này, bất chấp căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng thời gian gần đây.

Trong chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày, ông đã có các cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Công nghiệp Trung Quốc, và gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường trước khi rời Bắc Kinh. Đây là lần đầu tiên Phó Thủ tướng Trung Quốc gặp gỡ CEO của một công ty nước ngoài.

Từ những cái bắt tay với các quan chức cho đến các chuyến thăm tới các bộ hàng đầu của chính phủ Trung Quốc, ông Musk đã thể hiện khả năng khéo léo ứng xử trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.

ĐẾN QUAN HỆ THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG

Khi giới trí thức kinh tế toàn cầu tranh luận về cách “tách rời” hoặc “giảm thiểu rủi ro” khỏi Trung Quốc, Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk dường như đứng ngoài khi đã cam kết sản xuất gấp đôi xe điện tại thị trường này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cho biết, vị tỷ phú mô tả kinh tế Mỹ và Trung Quốc có liên quan mật thiết với nhau và ông phản đối việc chia tách mối quan hệ này.

Nhưng ông Musk không phải là CEO Mỹ đầu tiên thực hiện chuyến đi đến Trung Quốc. Giám đốc điều hành JP Morgan Jamie Dimon và Laxman Narasimhan của Starbucks cũng có mặt tại Trung Quốc trong tuần này, trong khi ông chủ Apple Tim Cook đã đến thăm quốc gia này 2 tháng trước.

Các chuyến thăm này diễn ra khi Trung Quốc đang mong muốn tạo ra một môi trường thân thiện cho doanh nghiệp nước ngoài sau một thời gian dài kiểm soát chặt chẽ đại dịch Covid-19, đồng thời cảnh căng thẳng địa chính trị với Mỹ ngày một leo thang. Để thúc đẩy kinh doanh, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi các công ty nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào nước này, hứa hẹn cho họ một sân chơi cởi mở và bình đẳng.

Trong bối cảnh này, theo các nhà phân tích chính trị, những chuyến thăm của các CEO lớn này có thể được coi như một “tuyên bố chính trị”, khi họ đang nói với giới chức ở cả hai bờ Thái Bình Dương rằng, doanh nghiệp cần sự ổn định chính trị để có thể phát triển và đóng góp vào sự phát triển chung.

Hồng Nhung