Quản lý chặt chẽ vốn viện trợ nước ngoài không hoàn lại

Sáng 15/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc xem xét bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2020; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, nguồn chi thường xuyên năm 2021.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, khoản viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2020 là khoản viện trợ phát sinh trong năm đã được các bộ, cơ quan trung ương thực nhận và sử dụng, chi tiêu trong năm. Do tính chất đặc thù nhỏ, lẻ, không có kế hoạch trước, phương thức thực hiện các khoản viện trợ  đa dạng. 

Mặt khác, với cơ chế phân cấp hiện nay, việc phê duyệt, tiếp nhận và sử dụng các khoản viện trợ đang phân cấp cho cơ quan chủ quản. Các chủ khoản viện trợ sẽ tiếp nhận và sử dụng vốn ngay sau khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt khi chưa có dự toán được giao. Do đó, đối với các khoản viện trợ thực nhận nhưng chưa có hạch toán, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2020 và phương án phân bổ, sử dụng cho các Bộ, cơ quan Trung ương. 

Đối với năm 2021, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự toán thu, chi ngân sách trung ương nguồn viện trợ nước ngoài (chi thường xuyên) năm 2021 và phê duyệt phương án phân bổ dự toán chi ngân sách trung ương cho các bộ, cơ quan trung ương, bổ sung có mục tiêu cho các địa phương. Căn cứ ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ thông báo bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài cho các Bộ, cơ quan trung ương, các địa phương.

Theo Uỷ ban Tài chính Ngân sách, việc tiếp nhận và đưa vào sử dụng viện trợ không hoàn lại là cần thiết và hợp lý, không thể chờ có dự toán mới tiếp nhận và thực hiện. Do vậy, đề nghị bổ sung vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện, hạch toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Về thẩm quyền quyết định, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán thu đối với khoản viện trợ vì Luật Ngân sách nhà nước quy định thẩm quyền của Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Do vậy, chỉ Quốc hội có thẩm quyền quyết định bổ sung dự toán đối với các khoản chưa có trong dự toán.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính và đơn vị liên quan rà soát chính xác số liệu, cập nhật kịp thời bổ sung, làm rõ khoản nào là khoản phát sinh thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, khoản nào là khoản đột xuất phát sinh ? Kể cả các khoản viện trợ nước ngoài có liên quan tới công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua …Đồng thời, đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ các khoản viện trợ không hoàn lại, không để xảy ra thất thoát, lãng phí. 

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Các khoản viện trợ của Chính phủ thì thường có danh mục ngay, nhưng mà còn của các doanh nghiệp tài trợ nữa, nếu bộ không nắm được việc này thì sau này quy trách nhiệm là của Bộ đấy. Sau này còn phải lập dự toán, hạch toán dài hơi hơn nữa. Kiểm toán cũng phải thêm vào, nếu không làm kỹ sẽ dễ thất thoát.”

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại nước ngoài vào chi thường xuyên năm 2020 và năm 2021, để bảo đảm các khoản viện trợ không hoàn lại của nước ngoài đủ điều kiện hạch toán, quyết toán ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đây là khoản bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nên cần trình Quốc hội để bảo đảm đúng thẩm quyền. Chính phủ cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát đối với nguồn viện trợ không hoàn lại, bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch, cả phần giá trị và hiện vật theo quy định. 

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN ĐỨC HẢI: “Xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại, rút kinh nghiệm chậm phân bổ dự toán được Quốc hội giao, chậm báo cáo Quốc hội xem xét quyết định bổ sung dự toán thu-chi ngân sách nhà nước; cần thống nhất số liệu kiểm toán nhà nước, kể cả các khoản phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến viện trợ nước ngoài có liên quan tới công tác phòng chống dịch COVID-19.”

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh hồ sơ, Tờ trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra, chính thức thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội xem xét quyết định./.

Anh Đức