• 1696 lượt xem
  • 23:06 13/05/2022
  • Kinh tế

Quản lý, vận hành đường cao tốc: Chuyên gia nói cần khắc phục hạn chế về kinh phí bảo trì, bảo dưỡng

Việc quản lý, vận hành đường cao tốc ở Việt Nam đang còn khoảng trống lớn về khung pháp lý và bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, cần sớm hoàn thiện để thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này, từ đó sớm hoàn thành  mục tiêu 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 - Đây là nhận định của các chuyên gia giao thông, nhà quản lý tại buổi tọa đàm “Quản lý đường cao tốc theo hình thức hợp đồng kinh doanh-quản lý.

 Trong những năm qua, thực tiễn triển khai các dự án hợp tác công – tư (PPP) đối với nhóm công trình hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (O&M) đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn quản lý đường cao tốc theo hình thức hợp đồng O&M vẫn còn những bất cập, vướng mắc cần được giải quyết.

PGS, TS TRẦN CHUNG - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam: Hệ thống đường cao tốc được quản lý 24/7, với hệ thống thiết bị thông minh soi suốt toàn tuyến, hệ thống đánh giá số lượng xe qua lại các trạm thu phí và thiết bị bảo hành, bảo trì. Hiện nay mới có hơn 1.000km cao tốc, sắp tới có hàng 5.000km thì khối lượng công việc và tài sản lớn tới cỡ nào? Đó là lý do chúng ta phải phối hợp để khai thác một cách có hiệu quả. Công trình cao tốc là loại công trình đặc biệt, nên cách tiếp cận, quản lý, vận hành cũng phải đặc biệt. Cần có đội ngũ chuyên nghiệp và chuyên môn hoá".

Có nhiều hình thức hợp tác công tư để triển khai việc quản lý, khai thác, bảo trì đường cao tốc, trong đó, có thể áp dụng hình thức hợp đồng O&M (kinh doanh-bảo trì). Hình thức này được hiểu là Nhà nước làm đường cao tốc, sau đó nhượng quyền vận hành (bao gồm việc thu phí và thực hiện bảo trì) cho nhà đầu tư.

Ông NGUYỄN ĐỨC KIÊN -Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: Đối với việc quản lý và vận hành đường cao tốc, Việt Nam có ít kinh nghiệm quản lý. Chúng ta đang nghiên cứu, lấy góp ý của các cơ quan liên quan để xây dựng và ban hành nghị định chuyên về khai thác và quản lý đường cao tốc".

Để quản lý và khai thác tốt, mang lại hiệu quả đầu tư, không gây tổn thất lớn cho nền kinh tế và cho chính các nhà đầu tư, các chuyên gia cho rằng, cần khắc phục hạn chế về kinh phí cho công tác bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên và tổ chức thu phí đường cao tốc, do kinh phí này được tính toán theo cách tính cũ, công nghệ cũ, định mức cũ. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích áp dụng khoa học, công nghệ, để đơn vị quản lý, vận hành khai thác chủ động đầu tư thiết bị, công nghệ cần có thời gian khai thác, kinh doanh đủ dài.
 

Nguyễn Duyên