Quảng Nam: Khẩn trương khắc phục đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện

Đợt mưa lớn bất thường vào đầu tháng 4 vừa qua đã làm sạt lở đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện của tỉnh Quảng Nam. Hiện đang là thời điểm thủy triều bắt đầu chuyển sang chế độ bán nhật triều, điều này làm mặn xâm nhập sâu vào trong bên trong.

Đây là thời điểm đầu tháng 04/2022, mưa lớn bất thường khiến hơn 60m thân đập ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện, thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bị vỡ.

Từ ngày 13/4 đến nay, tại cầu Tứ Câu – cách vị trí thân đập bị vỡ 2,3 km - nồng độ mặn lúc đỉnh triều luôn dao động ở mức rất cao, thâm nhập sâu vào nội địa.

Ông PHẠM HỒNG THẮNG, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam: Chúng tôi đã có các báo cáo gửi UBND thị xã Điện Bàn để thường xuyên nắm bắt tình hình và sớm tổ chức việc khắc phục con đập này. Bởi vì càng sớm thì chúng ta sẽ giữ được nguồn nước đảm bảo chất lượng để phục vụ cho vụ sản xuất. Còn nếu chậm trễ thì sẽ có khả năng diễn biến thủy triều phức tạp. Khi mặn xâm nhập vượt qua tuyến đập thì việc súc rửa mặn, đẩy mặn ra hầu như là cực kỳ khó khăn."

Ông NGUYỄN MINH HIẾU, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam: “Chúng tôi cũng theo dõi thường xuyên để khi đề xuất tỉnh bố trí kinh phí là chúng tôi khẩn trương làm ngay, nhằm phục vụ cho khoảng 2 nghìn đất lúa và nước sinh hoạt của bà con trong thời gian đến.”

Đợt mưa lũ bất thường hồi đầu tháng 4 vừa qua cũng làm lở một đoạn bờ sông gây đe dọa đến nhà cửa của nhiều hộ dân. Do đó, không chỉ khắc phục tuyến đập, Quảng Nam cũng phải cân nhắc đến việc xây kè chống sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân.

Ông PHẠM QUANG ĐÔNG, Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy lợi Quảng Nam: “Bên cạnh việc khắc phục đập tạm này, địa phương cũng đã có văn bản, tờ trình để xin hỗ trợ nguồn kinh phí xây kè để chống sạt lở cho đoạn sạt lở này. Trên cơ sở tờ trình đó, tỉnh cũng đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tham mưu để xem xét việc hỗ trợ này.”

Kinh phí đắp lại đập tạm gần 2 tỷ đồng, nhưng sẽ phải tháo dỡ hằng năm, sau khi kết thúc mùa vụ để trả lại tự nhiên. Để hạn chế lãng phí, Quảng Nam cần tính đến việc xây dựng đập vĩnh cửu; chỉ đạo việc vận hành các thủy điện ở thượng nguồn để đẩy nước về hạ du. Đồng thời nghiên cứu chuyển đổi cây trồng nếu việc xâm nhập mặn ngày càng phức tạp.

Lê Quang