Quảng Ngãi: Đồng bào dân tộc được giao biệt thự, bỏ hoang để... về ở nhà sàn

Được cho biệt thự nhưng lại bỏ ra ở nhà sàn. Câu chuyện nghịch lý này xảy ra ở huyện miền núi Sơn Tây tỉnh Quảng Ngãi khi tái định cư cho người dân tại dự án thuỷ điện Đăkđrinh. Bà con đồng bào dân tộc Ca Dong bao năm đã quen với nhà sàn nhưng chính quyền địa phương lại xây dựng nhà bê tông cốt thép.

Hệ quả là, nhiều căn biệt thự sừng sững bỏ hoang giữa vùng cao trong khi bà con lại mất thêm tiền dựng nhà sàn truyền thống. 

Ngôi nhà chẳng khác căn biệt thự này trị giá hơn 500 triệu đồng của gia đình chị Đinh Thị Beo. Nhà sang nhưng chị lại chọn ở nhà sàn. Năm 2013, gia đình chị Beo được chính quyền địa phương xây dựng ngôi nhà và bàn giao cho gia đình đến ở để nhường đất tại nơi ở cũ cho dự án thuỷ điện Đắkđrinh. Thế nhưng, chị phải bỏ thêm tiền xây nhà sàn để sinh hoạt.

Chị ĐINH THỊ BEO, Xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi: “Dân mình ở đây chỉ thích ở nhà sàn chứ không quen ở nhà xây”.

Sau gần 10 năm, các hộ dân thuộc diện di dời, nhường đất cho dự án thuỷ điện Đăkđrinh được bố trí tái định cư tập trung vào sống trong những căn biệt thự này đều cho rằng không phù hợp với phong tục tập quán. Không hiểu UBND huyện Sơn Tây đã lấy ý kiến người dân như thế nào để rồi phê duyệt thiết kế mẫu nhà này thay vì những chiếc nhà sàn truyền thống.

Anh ĐINH VĂN VIÊN, Xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi: “Xây một cái nhà xây cho người dân đồng bào đây sống. Lúc đó họ định hướng hay lắm, nghe họ nói rất là hợp lý nên lúc đó người đồng bào chúng tôi ai cũng nghe. Nếu có cơ hội thì dĩ nhiên dân tôi sẽ chọn nhà sàn”.

Năm 2012, 96 hộ dân được tái định cư tập trung. Diện tích những ngôi nhà theo mẫu này có diện tích từ 65 mét vuông đến 85 mét vuông với kinh phí xây dựng từ 300 triệu đến 500 triệu đồng. 96 ngôi nhà dạng biệt thự này được xây dựng với tổng kinh phí lên tới gần 28 tỷ đồng. Sau khi nhận nhà, người dân lại bỏ thêm cả trăm triệu đồng để dựng nhà sàn. Nhà xây gần như không sử dụng, thậm chí cả chục căn bỏ hoang.

Ông ĐINH TRƯỜNG GIANG, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi: “Các khu dân cư mà do thuỷ điện xây dựng hoặc một số khu dân cư khác thì do không tìm hiểu tập quán của người dân là sống ở nhà sàn hoặc môi trường sống của người đồng bào trên này nên đã xây dựng sẵn nhà xây đổ bê tông. Nếu như trước đây ta làm đúng như hiện giờ thì cái lãng phí sẽ giảm đi rất là đáng kể."

Ông TRẦN VĂN MẪN, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi: “Lúc đầu người ta kỳ vọng nó cao hơn tức là muốn cho nó hiện đại, muốn cho nó đẹp. Tất nhiên biệt thự rất đẹp, vị trí cũng rất đẹp. Tuy nhiên người dân không có hưởng thụ được bởi vì tập quán của họ nó khác. Nếu như người kinh thì có lẽ là nó lại quá đẹp. Cũng xuất phát từ việc hiểu không hết về tập quán thôi."

Thiếu định hướng và lựa chọn sai lầm trong phê duyệt mẫu thiết kế nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong trong dự án thuỷ điện Đăkđrinh đã cho thấy bài học về tái định cư ở miền núi. 223 tỷ đầu tư cơ sở hạ tầng cho 3 khu tái định cư thuỷ điện đã và đang gây lãng phí khi không phát huy hết hiệu quả như kỳ vọng ban đầu.

Minh Huy