Quảng Ngãi: Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững

Không hỗ trợ chung chung, phải lựa chọn hình thức hỗ trợ giảm nghèo sát với thực tế và nhu cầu của từng hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số để việc hỗ trợ đúng đối tượng, giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Cách làm này đang được tỉnh Quảng Ngãi chú trọng và là hướng đi lâu dài để công tác giảm nghèo ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số mang lại hiệu quả.

Từ một hộ nghèo, anh Thái – người đồng bào dân tộc Cor - đã vươn lên thoát nghèo. Năm 2016, anh có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động. Địa phương nhận thấy anh Thái có đủ các điều kiện để thoát nghèo từ xuất khẩu lao động nên đã hỗ trợ tối đa về hồ sơ thủ tục, vốn vay. Sau 4 năm lao động tại Nhật Bản, anh Thái trở về địa phương dùng số tiền tích góp để làm kinh tế nên giờ không chỉ thoát nghèo mà anh còn là hộ có kinh tế khá giả.

Xác định con đường thoát nghèo của hộ gia đình ông Hoa ở Xã Hương Trà, huyện Trà Bồng là chăn nuôi và trồng rừng nên trong các chính sách hỗ trợ giảm nghèo địa phương đã quyết định hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để ông Hoa đầu tư nuôi dê, trồng keo. Có ý chí thoát nghèo và chịu khó lao động nên gia đình ông đã gầy dựng được đàn dê 20 con cùng hơn 3 hecta keo rừng, giúp gia đình ông thoát khỏi diện hộ nghèo.

Rà soát, phân loại hộ nghèo và điều kiện cần hỗ trợ thực tế của từng hộ nghèo để từ đó có sự hỗ trợ đúng và trúng. Trong đó, những hộ nghèo chịu khó lao động, có ý chí thoát nghèo sẽ ưu tiên hỗ trợ trước các chính sách giảm nghèo. 

Quảng Ngãi hiện còn trên 19.800 hộ nghèo ở miền núi, chiếm tỷ lệ 30,27%. Năm 2023, Quảng Ngãi phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo miền núi 4,5% theo chuẩn nghèo đa chiều. Việc lựa chọn cách thức hỗ trợ cho hộ nghèo theo nhu cầu thực tế của từng hộ, không hỗ trợ chung chung sẽ là cách để Quảng Ngãi giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Minh Huy