Quảng Trị: Lãng phí tài sản công từ các công trình bỏ không

Quảng Trị vẫn có một số đơn vị có tài sản công để lãng phí do không sử dụng. Trước hết trách nhiệm này thuộc về các đơn vị chức năng tỉnh Quảng Trị. Đây là khẳng định của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tại buổi giám sát chuyên đề đối với UBND tỉnh.

Các công trình trên địa bàn thuộc cơ quan trung ương quản lý, hiện không sử dụng, gây lãng phí điển hình như Nhà khách Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng; Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị; trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Đông Hà cũ và trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam tỉnh Quảng Trị…. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị tìm giải pháp xử lý song trên thực tế do vướng các quy định từ phía các cơ quan Trung ương nên đến nay vẫn chưa khắc phục được tình trạng bỏ không này.

Bà LÊ THỊ THANH - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Trị: “Trụ sở nhà đất của các đơn vị trung ương trên địa bàn nhưng không có nhu cầu sử dụng trụ sở toà án, nhà khách, phân viện đại học,… cũng như một số cơ sở của Trung ương nằm ở các vị trí quan trọng rất đẹp nhưng để khá lâu gây tình trạng hoang hóa và mất mỹ quan đô thị. Trong các phản ánh của cử tri cũng đã nêu nội dung này. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan trung ương khẩn trương tham mưu chủ quản ở trên bộ, cơ quan chủ quản của mình để có phương án".

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đặt nhiều câu hỏi và thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót đối với các sở, ngành liên quan tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua vẫn để tồn tại nhiều vấn đề trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tình trạng quản lý tài sản như trụ sở, tài nguyên khoáng sản, đất, nước... đầu tư xây dựng cơ bản...., tỉnh Quảng Trị đã thật sự làm tốt hay chưa? Người đứng đầu tỉnh và các thủ trưởng các cơ quan ban ngành tỉnh Quảng Trị có nhận thấy về sự thiếu sót trong vấn đề này hay không?

Ông HOÀNG ĐỨC THẮNG - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: “Như việc xin kinh phí xây dựng nhà công vụ giáo viên miền núi và người nghèo không có trong khi tiền của Nhà nước lại để phí phạm như thế này thì không thể chấp nhận, cần lên án”.

Ông VÕ VĂN HƯNG - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị: “Mặc dù đã đạt được những kết quả về pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... nhưng tôi nghĩ rằng vẫn còn có nhiều cái chúng ta cần mạnh mẽ và tích cực hơn nữa. Đâu đó vẫn còn lãng phí. Đâu đó vấn đề thi hành tiết kiệm chưa chặt chẽ. Đây là liên quan đến các đơn vị, các chủ thể địa phương, chúng ta cần tập trung thực hiện”.

Ông Lê Quang Tùng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đề nghị, thời gian tới Quảng Trị cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; nhà, đất công vụ; công trình phúc lợi công cộng; đồng thời phải kiên quyết, kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; thực hiện công khai việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao tính răn đe của pháp luật, tính phê phán, lên án của xã hội.

Ông LÊ QUANG TÙNG - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị: “Từ ngày có luật thực hiện về thực hiện phòng chống lãng phí, chúng ta chưa có trường hợp nào thanh tra, kiểm tra phát hiện trường hợp vi phạm. Phải chăng chúng ta thực hiện rất tốt? Chắc là không phải thế! Như vậy, vẫn còn đâu đó người đứng đầu các cơ sở chưa lưu ý một cách toàn diện về công tác này. Bác Hồ nói rồi, tham ô tham nhũng là rất nguy hiểm nhưng lãng phí còn nguy hiểm hơn".

Đối với những kiến nghị của UBND tỉnh Quảng Trị, Đoàn giám sát ghi nhận và sẽ có kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương về những tồn tại, bất cập, qua đó để thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày càng hiệu quả hơn.

Võ Linh