Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi): Giải quyết khó khăn vướng mắc từ thực tiễn

Sáng 23/6, Quốc hội đã thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) với số phiếu tán thành cao. Luật sẽ tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; bổ sung nhiều quy định nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc và thích ứng với các đòi hỏi từ thực tiễn, tăng cường hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu.

Kết quả biểu quyết Luật Đấu thầu: có 460 biểu quyết thông qua Luật trên tổng số 474 đại biểu tham gia biểu quyết, đạt tỷ lệ 93,12%. Luật gồm 10 Chương, 96 Điều, sẽ điều chỉnh hoạt động đấu thầu đối với các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Một số nhóm chính sách nổi bật đã được sửa đổi bổ sung trong Luật gồm: Nhóm các quy định nhằm xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu; Nhóm các quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu; Nhóm các quy định nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầ; Nhóm các quy định nhằm hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh, mua sắm sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi nhóm lao động yếu thế nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; Nhóm các quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu. Luật có hiệu lực thi hành từ đầu năm sau, ngày 1/1/2024.