Quy định gây ô nhiễm tiếng ồn có thể bị phạt tiền chính thức có hiệu lực nhưng chuyên gia cho rằng khó thực hiện

Bắt đầu từ ngày hôm nay, 25/8, Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, thay thế cho Nghị định 55/2021/NĐ-CP, chính thức có hiệu lực. Theo đó, mức phạt ô nhiễm tiếng ồn sẽ lên tới 160 triệu đồng. Tuy nhiên việc thực thi việc này lại là vấn đề không đơn giản.

Gia đình ông Khuất Duy Thoại, cũng như các hộ gia đình khác ngụ ở khu V3/3, khu tập thể Đại học Giao thông Vận tải, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội, đang hằng đêm mất ngủ vì tiếng nhạc của quán Bar và một vài quán Karaoke tại tầng 1.

Các cư dân ở đây đã nhiều lần phản ánh tình trạng này đến chính quyền địa phương, nhưng sự việc không được giải quyết triệt để.

Ông KHUẤT DUY THOẠI – Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội: “Điều đó làm ảnh hưởng ghê gớm đến cuộc sống của chúng tôi, nhất là khu tập thể này có rất nhiều các cụ già lớn tuổi, về hưu. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền có giải pháp căn cơ hơn để xử lý tận gốc ô nhiễm tiếng ồn, hạn chế việc phát ra tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.”

Tại Điều 22, Nghị định 45/2022 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày hôm nay (25/8/2022) thì hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn, mức xử phạt sẽ tăng dần tương ứng với mức độ vượt quy chuẩn về tiếng ồn, thấp nhất là phạt tiền từ 1-5 triệu đồng, cao nhất là từ 140-160 triệu đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khó để có thể xử phạt đối với hành vi này, bởi thiếu căn cứ pháp lý.

Luật sư NGUYỄN THẾ TRUYỀN –Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh: “Các cơ quan chức năng đang rất thiếu các trang thiết bị. Hành lang pháp lý cũng đặt ra trở ngại khiến các cơ quan chức năng không thể thực hiện được."

Theo quy định, để xử phạt các trường hợp gây ô nhiễm tiếng ồn, cơ quan chức năng sẽ thực hiện trưng cầu giám định, đo đạc, phân tích tiếng ồn... Ngoài ra, còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn.

Bà NGUYỄN THỊ KIỀU TRANG – Phó Giám đốc Công ty Luật Niềm tin Công lý: “Đối với ô nhiễm tiếng ồn, chúng ta phải có máy móc thiết bị để đo đạc, dựa vào thông số máy đo được, đối chiếu với các quy định của pháp luật để đưa ra mức xử phạt cụ thể… cho nên, để xử phạt được trên thực tiễn gần như là rất kho khăn”.

Quy định về mức độ ô nhiễm tiếng ồn để xử phạt thì rất cụ thể, và chế tài mạnh là điều cần thiết và dễ đưa ra, nhưng cái khó là cách thực hiện ra sao, căn cứ và mức độ vi phạm cụ thể thế nào để xử phạt được vẫn đang là vấn đề tồn tại khó thực thi trong công tác xử lý ô nhiễm tiếng ồn - vấn đề nhức nhối tại các đô thị.

Đức Minh