Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2050 vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá, là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.

Đây là một trong những nội dung được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố trong quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030 diễn ra vào hôm nay (18/6).

Theo Dự kiến Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển hoàn thiện, phát triển nông nghiệp là thế mạnh, công nghiệp theo hướng bền vững, kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại, hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư đồng bộ và là trung tâm của phát triển.

Ông Đinh Trọng Thắng - Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Đã đến thời điểm chúng ta không phát triển theo những gì có sẵn mà kiến tạo ra tầm nhìn phát triển. Theo quy hoạch này nhấn mạnh kinh tế môi trường. Các vấn đề môi trường đặt trước vấn đề kinh tế. Con người là trung tâm. Quy hoạch được xây dựng trên nền tài nguyên nước.”

Để thực hiện quy hoạch, Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long từ chỗ phát triển với tiềm năng thành nơi đáng sống, năng động, thịnh vượng, mà sẽ là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch và nhà đầu tư. Đến năm 2030, vùng có quy mô nền kinh tế lớn hơn 2 -2,5 lần so với hiện nay. 

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Để thu hút đầu tư thì có rất nhiều các giải pháp tổng hòa trong một bối cảnh tổng hòa đồng bộ chứ không thể một hai ba bốn giải pháp riêng lẻ. Nhưng mà quy hoạch vùng ĐBSCL là điều kiện cần và hết sức quan trọng để thu hút đầu tư, đó là cái ý nghĩa quy hoạch.”

Chính phủ sẽ có các giải pháp phát triển  chi tiết sẽ được thể hiện trong các quy hoạch địa phương là 13 tỉnh thuộc vùng ĐBSCL ở nhiều mảng về phân vùng, giải pháp về hạ tầng, giải pháp cơ chế chính sách, nguồn lực con người cũng như nguồn lực về tài chính