• 2125 lượt xem
  • 16:32 11/01/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: Yêu không lấy

Yêu nhiều, đắm say nhưng không lấy được nhau và có những người lấy nhau nhưng cuộc hôn nhân không có tình yêu…không phải điều xa lạ trong thời kỳ chiến tranh. Hạnh phúc chỉ là khoảnh khắc còn mất mát, khổ đau lại ngấm thật lâu...Bằng sự thấu cảm của mình, nhà văn Vĩnh Trà đã lột tả chân thật những xúc cảm đó qua tác phẩm “Yêu không lấy”.

“Yêu không lấy” - một tác phẩm của nhà văn Vĩnh Trà do NXB Hồng Đức phát hành đến với tôi thật ngẫu nhiên trong rất nhiều sự lựa chọn, thoạt đầu tôi cứ nghĩ đó là 1 câu chuyện về tình yêu nam nữ thông thường thời hiện tại, nhưng lật giở từng trang, tôi bị cuốn hút bởi những câu chuyện thật đặc biệt - những câu chuyện tình trong thời chiến…

Xuân Sớm - cô gái vùng quê đầy nét xuân son, trái tim chưa một lần rung động nhưng khi chiến tranh xảy ra, cô xin mẹ đi học lớp y tá của huyện đội với một tâm thế sẵn sàng vì Tổ quốc…Và ở đó, mối tình đầu đã chớm nở với người bác sĩ, thiếu úy chỉ huy lớp học… nụ hôn đầu đời trao nhau trong cái lảng bảng của sương đêm, trong tiếng thì thầm “Chết Anh vẫn yêu em, tận kiếp sau nhé”…

Chiến trường vào trận quyết liệt, chàng bác sĩ lên đường nhận nhiệm vụ mới, chỉ kịp dành cho nhau một đêm mặn nồng, tự xem nhau là vợ là chồng…Và có ai ngờ đó là đêm cuối…

Chiến tranh chưa bao giờ là trò đùa, những mất mát đớn đau trong chiến tranh cũng không phải chỉ là câu chuyện kể… Giọt máu hình thành sau đêm vợ chồng cũng là khởi điểm cho cuộc chia ly thời chiến mà ở đó, người đàn ông chưa kịp vui niềm vui làm bố, người phụ nữ chưa kịp nhận lá thư yêu thương, chưa kịp  làm vợ trọn một ngày, họ đã mất nhau.

Bằng một giọng văn chân thực, ngôn ngữ rất đời - tác giả Vĩnh Trà đã tạo nên những thước phim bằng câu chữ mà ở đó hình ảnh, âm thanh được hiện lên gây niềm xúc động mạnh đến độc giả. Mỗi một nhân vật đều được ông khắc hoạ với những mảng màu nội tâm khác nhau. Sự áp đặt đến khắc nghiệt của người chú chồng lên cuộc đời người cháu dâu khi muốn cô kết hôn với người thương binh nặng chỉ vì trách nhiệm và nghĩa vụ để xã hoàn thành chỉ tiêu…  Là sự hy sinh, cam chịu của thân phận người phụ nữ khi phải chấp nhận lấy người mình không yêu, phải mỉm cười tạo một vỏ bọc trước thiên hạ… Là cái đau đớn đến lặng câm trong xót xa của người đàn ông đêm đầu chồng vợ với người phụ nữ mình đã từng yêu thầm cả đời, giờ đây phải đối mặt với di chứng chiến tranh trong sự bất lực ...

“Bây giờ thì tôi biết sợ và sợ thật rồi. Tôi sợ cái mẽ bề ngoài hạnh phúc lứa đôi cho mọi người, xã hội hài lòng. Tôi sợ sự áp đặt khao khát xù xì của mình lên niềm tin ngây thơ đến ngây ngô của người khác".

Với sự đan xen giữa mạch chảy những câu chuyện, nhà văn Vĩnh Trà rất khéo khi dẫn dắt những tình tiết để giải thích mọi hành động mà nhân vật của mình đã làm. Để khi đọc xong, độc giả không còn khó hiểu, không còn ức chế trong câu hỏi “vì sao họ lại làm như vậy”.

Khi đọc gần hết cuốn truyện, tôi đã nghĩ rằng đã  đủ để cho tôi hiểu hết tác phẩm này với câu nói  “Yêu không lấy- lấy không yêu”. Nhưng cái kết bất ngờ đã cho thêm một góc nhìn khác về tình người, về sự nhân văn và bao dung của những con người sau cuộc chiến. Những uẩn khúc, những trái ngang ấy đã được nhà văn Vĩnh Trà giải mã  bằng tình yêu, đẹp, sự thăng hoa dẫu hạnh phúc chỉ được tính bằng khoảnh khắc…