Nhìn ra thế giới: Robot thông minh phục vụ cuộc sống con người

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, hàng loạt robot thông minh đã ra đời. Chúng trở thành cánh tay đắc lực hỗ trợ con người trong nhiều công việc. Với những tính năng vượt trội, sự chính xác cao và nhạy bén, robot được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều bước phát triển mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ ẩm thực, y tế cho tới khám phá, chinh phục không gian.

 ROBOT ĐẦU BẾP LÊN NGÔI

Tại nhiều quốc gia, các bếp ăn trong bệnh viện, trường học và nhiều cơ sở khác kinh doanh đang nỗ lực tìm ra những giải pháp mới, với xu hướng phục vụ 24/24 mà lại có thể tiết kiệm chi phí lao động. Chính vì thế, nhu cầu về các loại robot có thể nấu nướng ngày càng gia tăng. Những robot “đầu bếp” đang rất được ưa chuộng.

Được phục vụ trong một chiếc nồi sôi sùng sục với tuyển chọn các nguyên liệu tươi ngon, lẩu phô mai chắc chắn là một trong những món ăn phổ biến nhất đối với những người yêu thích phô mai trên toàn thế giới. Giờ đây, Fondue - món lẩu phô mai nổi tiếng của Thụy Sĩ có thể được chế biến, xào nấu và phục vụ bởi một đầu bếp robot. Robot có tên Bouebot này là ý tưởng của một công ty khởi nghiệp ở bang Valais, Thụy Sỹ, và được ra mắt lần đầu tiên tại Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế Paris, một trong những hội chợ thương mại sản xuất thực phẩm lớn trên thế giới.

 Ông LUDOVIC AYMON, Quản lý dự án Bouebot: Mọi công việc đều được thực hiện tại đây, bởi một đội ngũ đầy nhiệt huyết. Chúng tôi phải tạo ra những dụng cụ phù hợp với robot từ dụng cụ chứa nước sốt cho đến các que xiên phô mai. Thông thường, sẽ có những que xiên dài tới 3 mét, nhưng ở đây, chúng tôi phải cắt ngắn và chỉnh sửa sao cho phù hợp. Đây là điều đặc biệt trong dự án này. Chúng tôi không có các thiết bị được sản xuất từ trước mà chúng tôi phải tự mình tạo ra chúng. 

Trong quá trình chế biến món lẩu phô mai, robot sẽ làm các nhiệm vụ từ cắt phô mai, rót rượu vang theo đúng tỷ lệ, đảo trộn hỗn hợp cho ra đúng hương vị món Fondue truyền thống. Theo nhà sản xuất, thách thức lớn nhất đối với robot là các nguyên liệu được sử dụng cho món Fondue là các nguyên liệu sống, hình thù đa dạng.

Ông LUDOVIC AYMON, Quản lý dự án Bouebot: "Phần khó nhất là chế tạo bộ phận cắt phô mai. Vấn đề mà chúng tôi gặp phải là chúng tôi phải sử dụng nước xốt, một thành phần hữu cơ, với một công cụ được chế tạo cho mục đích cơ khí. Robot này rất chính xác, với sai số chỉ khoảng 0,2mm. 

Các nhà thiết kế phải mất gần 9 tháng để hoàn thành các mảnh ghép và viết chương trình hoạt động cho robot. Tên của robot Bouebot, là sự kết hợp giữa từ "robot" và "bouebo", có nghĩa là "cậu bé nhà gỗ". Tuy nhiên, robot này không được tạo ra với mục đích để bán hay sản xuất thương mại quy mô lớn, mà là một sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với ẩm thực truyền thống.

Tuy nhiên, đây không phải là một robot hoàn toàn tự hành. Người sử dụng vẫn phải can thiệp vào một số khâu trong quá trình chế biến để đảm bảo món ăn được hoàn hảo nhất.

 Ông LUDOVIC AYMON, Quản lý dự án Bouebot: "Ở giữa quá trình trộn, đây là thời điểm duy nhất tôi phải can thiệp, với một chiếc máy tính bảng, mà bạn có thể nhìn thấy ở đây. Tôi yêu cầu robot ngừng trộn, vì robot không nhìn thấy nó đang làm gì. Lúc này, tôi yêu cầu nó ngừng trộn, rắc tiêu và bột bắp vào nồi, và nó trộn lần thứ hai cho đến khi nước xốt hoàn thành.”

Nguyên mẫu robot thử nghiệm nặng khoảng 450kg và có giá cũng khá cao, khoảng 325.000 USD (tức khoảng 7,5 tỷ đồng). 

ROBOT ĐÓNG GÓI HÌNH NGƯỜI

Còn tại Nhật Bản, một hệ thống robot tự động hình người có khả năng đóng gói thực phẩm vừa được ra mắt, mang đến một giải pháp cho các nhà sản xuất thực phẩm đang gặp khó khăn với tình trạng thiếu lao động. Robot cao 1,5m có tên gọi “Foodly”, do nhà phát triển robot RT của Nhật Bản thiết kế. Robot được trang bị hệ thống nhận dạng hình ảnh để có thể lấy thức ăn ở trước mặt chúng. Sau đó, với bàn tay được thiết kế như chiếc dĩa, robot có thể gắp những sợi mì, đặt lên băng chuyền hoạt động như một chiếc cân để đo trọng lượng chuẩn của mì cho mỗi gói và sau dó đóng gói chúng vào các hộp thực phẩm riêng. Robot có thể gắp tới 500 gram mì hoặc các thực phẩm khác, bao gồm cả rau cắt nhỏ và gà rán.

Robot Foodly ra đời trong bối cảnh Nhật Bản đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng lực lượng lao động giảm dần trong ngành sản xuất thực phẩm, cũng như mối lo ngại về an toàn sức khỏe khi phải làm việc trong không gian hạn chế giữa đại dịch Covid-19.

Theo các nhà phát triển, việc thay thế một số nhân lực trong các nhà máy bằng những robot thông minh có thể giúp cắt giảm chi phí lao động và đảm bảo khoảng cách xã hội tốt hơn giữa các nhân viên. Hiện công ty đang xem xét đưa ra mức giá khoảng 30 triệu yên (250.000 USD) cho hệ thống robot này, nhưng chưa có kế hoạch thương mại hóa cụ thể.

ROBOT PHA CHẾ DÙNG CÔNG NGHỆ 5G

Minh chứng cho sức mạnh của công nghệ kết nối 5G, tập đoàn Telefonica của Tây Ban Nha đã tung ra một robot pha chế với nhiều tính năng vượt trội.

 Bà MERCEDES FERNÁNDEZ, Giám đốc sáng tạo của Telefonica : "Chúng tôi vừa giới thiệu một robot pha chế tích hợp công nghệ 5G. Nhờ 5G, điện toán biên, chúng tôi đang tăng cường khả năng của robot phục vụ đồ uống. Robot có thể phục vụ rượu Raimat Codorniu và có thể nhận ra bạn nếu bạn quay lại và biết sở thích của bạn. Mặt khác, robot có thể giao tiếp với bạn bằng nhiều ngôn ngữ và nhắc lại tên đồ uống mà bạn muốn gọi”

Do Macco Robotics phát triển và sử dụng công nghệ 5G của Telefonica, robot này là một nhân viên pha chế chuyên nghiệp, có thể phục vụ nước trái cây, rượu vang và cả những ly cooktail độc đáo dành cho khách hàng.  Ngoài ra, robot còn có thể nói được nhiều thứ tiếng, chào hỏi khách hàng và nhận ra những khách hàng trung thành nhất của mình bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt.

Bà MERCEDES FERNÁNDEZ, Giám đốc sáng tạo của Telefonica : "Chúng ta đang ở trong một thời điểm mà công nghệ phát triển bùng nổ chưa từng có. Với tiềm năng của công nghệ 5G, cáp quang, robot, máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo tăng cường, toàn bộ sự kết hợp của những công nghệ này đưa chúng ta vào một thời điểm chưa từng có để tạo làm nên những điều khác biệt, tạo ra những trải nghiệm mới mẻ”

Theo nhà sản xuất cho biết, robot hình người này được hỗ trợ công nghệ 5G và có thể làm việc 24 giờ một ngày. Trong những thời điểm bị ảnh hưởng bởi Covid, robot mang lại lợi thế đặc biệt so với các nhân viên là con người – nó hạn chế được sự tiếp xúc không cần thiết và giảm thiểu nguy cơ lây bệnh cho mọi người. 

 ĐỘI QUÂN ROBOT ĐỔ BỘ KHÔNG GIAN

Vũ trụ tiềm ẩn biết bao điều bí ẩn. Khám phá không gian, chinh phục vũ trụ từ lâu đã trở thành ước mơ của con người. Khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển, công cuộc chinh phục vũ trụ của con người lại càng rộng mở, với sự hỗ trợ đắc lực của đội quân robot thông minh.  

Mới đây, một công ty khởi nghiệp ở Los Angeles, bang California, Mỹ được thành lập bởi một kỹ sư chế tạo máy bay vũ trụ kỳ cựu đã hé lộ nguyên mẫu xe tự hành thám hiểm mặt trăng thế hệ tiếp theo, tốc độ tương đương với “Moon buggy” cũ của NASA nhưng được thiết kế để có thể làm được nhiều nhiệm vụ hơn.

Theo đó, công ty Venturi Astrolab, đã công bố các bức ảnh và video cho thấy phương tiện Tiếp vận và Khám phá Linh hoạt (FLEX) của họ chạy trên sa mạc California gồ ghề gần Công viên Quốc gia Thung lũng Chết, trong một cuộc thử nghiệm thực địa kéo dài 5 ngày.

Ông JARET MATTHEWS, Người sáng lập, CEO công ty Venturi Astrolab: FLEX được thiết kế không chỉ để phục vụ nhu cầu của các phi hành gia mà còn thực sự linh hoạt khi không có sự xuất hiện của phi hành gia. Vì vậy, đó là một nền tảng robot có thể được vận hành từ Trái đất hoặc từ những nơi khác. Điều đó thực sự rất tuyệt vời vì không phải lúc nào chúng ta cũng cần đến sự hiện diện của phi hành gia. Tất nhiên, thời gian của các phi hành gia rất quý gia. Do đó, điều quan trọng là phải có các thiết bị thực hiện các nhiệm vụ như xây dựng, triển khai cơ sở hạ tầng, tiến hành thăm dò nghiên cứu trước khi các phi hành gia đặt chân lên.

Theo Astrolab, FLEX có bốn bánh, kích thước bằng một chiếc ô tô được thiết kế để sử dụng trong chương trình Artemis của NASA, nhằm mục đích đưa con người trở lại Mặt trăng sớm nhất là vào năm 2025. Chương trình này cũng sẽ phát triển căn cứ bền vững, đóng vai trò như bước đệm cho nhiệm vụ sao Hỏa trong tương lai, nơi phi hành gia có thể khám phá Mặt Trăng, sinh sống, làm việc và tập huấn trong không gian. Mặt Trăng cách Trái Đất khoảng 383.000 km trong khi quãng đường tới sao Hỏa là 225 triệu km.

 Ông JARET MATTHEWS, Người sáng lập, CEO công ty Venturi Astrolab: NASA có kế hoạch quay trở lại mặt trăng theo một cách đặc biệt hơn với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế. Và điều khác biệt giữa chương trình Artemis và Apollo đó là họ đang cố gắng tạo ra một chương trình khám phá mặt trăng sôi động, nơi họ có thể mua các dịch vụ và thiết bị từ các công ty thương mại như chúng tôi. Do đó, một trong những hoạt động đầu tiên mà bạn cần thực hiện trong tương lai đó là thiết lập cơ sở hạ tầng để thu thập, lưu trữ và phân phối năng lượng. Vì vậy, một số nhiệm vụ chúng tôi thực hiện trên sa mạc chỉ được thực hiện như kiểu robot với sự hiện diện của FLEX. 

Không giống như những mẫu xe thời Apollo thám hiểm Mặt trăng của những năm 1970 hay thế hệ robot trên sao Hỏa hiện tại được thiết kế riêng cho các nhiệm vụ và thí nghiệm chuyên biệt, FLEX được thiết kế như một phương tiện đa năng có thể được điều khiển bởi các phi hành gia hoặc được vận hành từ xa. Dựa trên một hệ thống tải trọng mô-đun lấy cảm hứng từ vận chuyển container thông thường, FLEX đủ linh hoạt để tham gia các hoạt động thăm dò, vận chuyển hàng hóa, xây dựng công trường và các công việc hậu cần khác trên Mặt trăng.

 Ông JARET MATTHEWS, Người sáng lập, CEO công ty Venturi Astrolab: FLEX được thiết kế để hỗ trợ cuộc sống 10 năm trên Mặt trăng. Như tôi đã nói, NASA quan tâm đến sứ mệnh cuối cùng là sự hiện diện lâu dài của con người trên Mặt trăng, vì vậy điều quan trọng là phải có tài sản và thiết bị có thể tồn tại lâu dài, lâu hơn các sứ mệnh Apollo, vốn chỉ kéo dài một vài ngày tại một thời điểm. Vì vậy, FLEX có một hệ thống pin và năng lượng mặt trời, vì vậy nó thu năng lượng mặt trời để sạc lại pin. FLEX cũng có lớp cách nhiệt và công suất bộ pin đủ giúp phương tiện vượt qua đêm Mặt Trăng, thời kỳ hai tuần khi Mặt Trăng chìm trong bóng tối và nhiệt độ giảm xuống - 130 độ C. FLEX có khả năng giữ ấm trong 100 - 300 giờ vào ban đêm ở cực nam của Mặt Trăng trước khi sử dụng pin mặt trời để sản xuất điện.

Nếu NASA sử dụng FLEX và nền tảng tải trọng mô-đun của thiết bị này cho chương trình Artemis, thì nó sẽ trở thành xe tự hành chở hành khách đầu tiên bay ngang qua bề mặt Mặt Trăng kể từ Apollo 17, chuyến cuối cùng

 Cũng nằm trong nỗ lực chinh phục không gian, vào tháng 6 tới đây, 5 robot tí hon dự kiến sẽ được phóng lên không gian theo dự án Colmena, có nhiệm di chuyển trên bề mặt Mặt Trăng và thực hiện những phép đo đạc tinh vi. Đây là lần đầu tiên nhiệm vụ khoa học dạng này được triển khai.

Đội quân robot tí hon này do nhóm nghiên cứu tại Đại học Tự quản Quốc gia Mexico (UNAM) phát triển và sẽ phối hợp hoạt động như một đàn ong. Trạm đổ bộ Peregrine của công ty Mỹ Astrobotic Technology sẽ mang chúng rời Trái Đất, bắt đầu chuyến bay khoảng 386.000 km tới Mặt Trăng. Trạm đổ bộ dự kiến phóng lên không gian nhờ tên lửa Vulcan của công ty Mỹ United Launch Alliance. Nếu thành công, đây sẽ là trạm đổ bộ đầu tiên của Mỹ đáp xuống Mặt Trăng sau gần 50 năm.

 Ông GUSTAVO MEDINA, Trưởng nhóm dự án Colmena: Chúng tôi vận dụng các thức hoạt động của thiên nhiên. Trong nhiều trường hợp, các loài vât sẽ hoạt động đơn lẻ nhưng cũng có lúc chúng sinh hoạt theo bầy đàn. Ong, kiến, sâu là những ví dụ điển hình về động vật nguyên thủy, có trí thông minh tương đối thấp nhưng nhờ có sức mạnh cộng đồng, với số lượng các thành viên cùng nhau làm việc, chúng đã tạo ra sự khác biệt to lớn.

Trong tiếng Tây Ban Nha, Colmena nghĩa là "tổ ong". Các robot được chế tạo từ thép không gỉ, hợp kim titan, nhôm chất lượng cao dành cho các nhiệm vụ không gian. Robot có hai bánh xe với phần thân trông giống chiếc đĩa mỏng, đường kính 12 cm. Chúng có thể liên lạc với nhau và với trung tâm chỉ huy ở Trái Đất.

Ông GUSTAVO MEDINA, Trưởng nhóm dự án Colmena: "Đây là nhiệm vụ nhỏ để chúng tôi thử nghiệm ý tưởng. Sau đó, chúng tôi sẽ tiến hành các nhiệm vụ khác, đầu tiên là tới Mặt Trăng và tiếp theo là các tiểu hành tinh. Và thông qua đó, chúng tôi sẽ mở rộng khái niệm và tạo ra các thiết bị hữu ích như: một công cụ có thể thu thập khoáng chất và khám phá, hay nhiều hơn thế nữa.”

Theo các nhà khoa học, đội quân robot này có nhiệm vụ thu thập những khoáng vật Mặt Trăng có thể hữu ích cho việc khai thác khoáng sản vũ trụ trong tương lai. Trong nhiệm vụ kéo dài khoảng một tháng, các robot tí hon sẽ lần đầu tiên thực hiện các phép đo nhiệt độ plasma Mặt Trăng, điện từ và kích thước hạt đất.

 Ông GUSTAVO MEDINA, Trưởng nhóm dự án Colmena: "Chưa ai từng làm được điều này, không chỉ ở Mexico. Chúng tôi là những người đầu tiên làm điều này trên thế giới và đó là mục đích của sứ mệnh này. Chúng tôi có thể tạo nên sự khác biệt trong công nghệ và hợp tác quốc tế, từ đó hình thành những tổ chức liên kết quan trọng để nghiên cứu khoáng sản hoặc thực hiện các khám phá khoa học khác".

 

Đinh Giang