Rút bảo hiểm xã hội 1 lần: Đại biểu chất vấn Bộ trưởng đến cùng

“Năm 2019, số người rút BHXH 1 lần khoảng 500 nghìn người. Đến năm 2023, con số này tăng lên gần 900 nghìn..”Đây là một trong những vấn đề nóng được cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đánh giá, làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần trong công nhân lao động không giảm mà có dấu hiệu gia tăng. Đặc biệt, tăng cao khi có thông tin Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội phương án sửa Luật Bảo hiểm xã hội.

Bấm nút tranh luận với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cơ bản thống nhất với ý kiến về việc tuyên truyền để giảm tỷ lệ rút BHXH. Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, mong muốn của người lao động là chính sách về bảo hiểm xã hội phải nhất quán và tính ổn định lâu dài.

Về việc sửa Luật BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, chắc chắn phải tính một cách tổng thể tới các chính sách. Ví dụ, nếu tiếp tục 20 năm thì không chờ được đủ tuổi. Nhất là những ngành nghề thâm dụng lao động, như may, dệt… kéo dài nam đủ 62 tuổi sẽ rất khó, đối với nữ cũng vậy. Phải tính toán giảm thời gian đóng xuống 15 năm, tiến tới có thể 10 năm theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đóng ít thì hưởng ít. Có nguyên tắc chia sẻ, nhưng chỉ là một phần, mà vẫn phải là bình đẳng, đóng hưởng..”

Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, con số rút bảo hiểm xã hội một lần từ 500.000 người/năm lên đến 900.000 người/năm rất đáng quan ngại. Theo đại biểu, rút bảo hiểm là bất đắc dĩ và là nguyện vọng thật sự của người đóng cần được tôn trọng nhưng cũng cần phải có giải pháp để đảm bảo Quỹ bảo hiểm này được ổn định.

Giải trình về vấn đề rút BHXH 1 lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, không có nước nào cho phép rút dễ dàng như Việt Nam. Thời gian tới, việc sửa Luật BHXH cũng cần được cân nhắc về điều kiện rút BHXH 1 lần.

Phạm Cường