Sau gần 8 năm, Chính phủ vẫn chưa trình dự án Luật Thừa phát lại

Sáng nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ tư Pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của thủ tướng Chính phủ trình Báo cáo về công tác thi hành án năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra với nội dung này. Đối với hoạt động thừa phát lại gần 8 năm thi hành nhưng Chính phủ vẫn chưa chuẩn bị được dự án Luật Thừa phát lại theo yêu cầu tại Nghị quyết 107/2015 của Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, hiện 194 Văn phòng Thừa phát lại trên cả nước đã tống đạt được 828.275 văn bản, lập 90.741 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 9 việc, thụ lý tổ chức thi hành án 5 vụ việc, doanh thu đạt hơn 173 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai chế định thừa phát lại vẫn còn chậm ở một số địa phương, kết quả hoạt động chưa đồng đều. Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long cho rằng nguyên nhân do một số quy định chưa dự liệu hết được các vấn đề về Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại và công việc Thừa phát lại được làm. Đội ngũ Thừa phát lại còn mỏng về số lượng, hạn chế về kỹ năng, kinh nghiệm.

Thẩm tra những nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng hoạt động thừa phát lại vẫn còn hạn chế, nhất là về xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án. Đáng chú ý, đến nay, đã gần 8 năm thi hành nhưng Chính phủ vẫn chưa chuẩn bị được dự án Luật Thừa phát lại theo yêu cầu tại Nghị quyết 107/2015 của Quốc hội. Do đó, chưa tạo lập được khung pháp lý thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của các tổ chức Thừa phát lại, nhất là việc tham gia trong hoạt động thi hành án dân sự, nhằm góp phần hỗ trợ và giảm tải công việc của các Cơ quan thi hành án dân sự./. 

 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam