Sẽ không công bằng nếu như các cá nhân lĩnh vực văn học, nhiếp ảnh, kiến trúc không được xét tặng danh hiệu

Mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú nhận được nhiều tán thành của các đại biểu trong phiên thảo luận sáng 27/5. Quy định mới được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực, khích lệ rất lớn để những người lao động nghệ thuật, yên tâm cống hiến, sáng tạo.

Trong phương án 1 tại Điều 66 của dự thảo luật, danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” sẽ được xét tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật bao gồm: diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên. 

Từng có thời gian làm quản lý trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, đại biểu Nguyễn Huy Thái đoàn Bạc Liêu đã có những “trải lòng” hết sức “gan ruột”  trước quy định mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu trên. Theo đại biểu, điều này sẽ “hoá giải nỗi buồn của của một bộ phận không nhỏ giới văn nghệ sĩ” bấy lâu nay “để những con tằm tiếp tục rút ruột nhả tơ".

Ông NGUYỄN HUY THÁI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: “Bên cạnh những thăng hoa và hạnh phúc làm nghề, vẫn còn đó những câu chuyện buồn nhiều tập liên quan đến sự phân biệt về nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn trong đối tượng được xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Điều đó vô tình đã làm nguội đi nguồn cảm hứng sáng tạo của một bộ phận văn nghệ sĩ. 

Khen thưởng là gặt hái, đầu tư cho các tác phẩm văn học nghệ thuật bằng chính sách phù hợp…cũng giống như đầu tư cho một quy trình gieo trồng của nghề nông. Trồng dưa thì được dưa trồng đậu thì được đậu, nhất là trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà đang như hiện nay. Xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho đối tượng hoạt động văn học nghệ thuật có đủ điều kiện là phần thưởng xứng đáng… để tạo động lực cống hiến, cho ra những sản phẩm văn hoá nghệ thuật chất lượng cao…, các nghệ sĩ biểu diễn, trình bày sẽ tiếp tục nâng giá trị…

Đáng tiếc là bấy lâu nay danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú chỉ được xét trao cho nghệ sĩ biểu diễn mà không trao nghệ sĩ sáng tác. Khoản 1, Điều 66 của dự thảo luật được thông qua lần này sẽ hoá giải cho những nỗi buồn đó. Là những nghệ sĩ sáng tác hay biểu diễn thì những thân tằm rút ruột nhả tơ đó cũng sáng tạo nên những tác phẩm văn hoá cho xã hội.”

Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú là những danh hiệu vô cùng cao quý, việc thêm một đối tượng, thêm một lĩnh vực được đưa vào xét tặng danh hiệu này sẽ tạo thêm động lực cho những nghệ sĩ hoạt động và cống hiến trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật. Không có lý gì khi cùng là sáng tạo cống hiến mà lĩnh vực này được mà lĩnh vực kia thì không. Sẽ là không công bằng nếu như các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn học, nhiếp ảnh, kiến trúc không được xét tặng danh hiệu này.

Bà TRẦN THỊ THU ĐÔNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: “Đối với chuyên ngành nhiếp ảnh, có nét tương đồng với hội hoạ, các nghệ sĩ nhiếp ảnh thông qua tác phẩm của mình góp phần cống hiến, xây dựng, mỹ thuật thì được mà nhiếp ảnh thì không được xét tặng danh hiệu nhà nước. Các nghệ sĩ này xứng đáng được xét tặng Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, kiến trúc sư các tác phẩm góp phần thay mặt diện mạo, bổ sung là đối tượng được xét tặng danh hiệu Kiến trúc sư Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân. Trong lĩnh vực văn học cũng cần được xét. Trong chuyên ngành sân khấu, các nhà soạn thảo chưa được xét, là khâu đầu tiên…., đây là thiệt thòi lớn cho đội ngũ soạn giả. Lâu nay chưa đánh giá đúng sự cống hiến, vô tình làm giảm sức cống hiến, sáng tạo của bộ phận văn nghệ sĩ.”

Bên cạnh tán đồng quy định tại khoản 1, Điều 66 dự thảo luật, các đại biểu cũng đề nghị, cần làm rõ thêm khái niệm nghệ sĩ, tiêu chí khi mở rộng đối tượng khen thưởng để đảm bảo thuyết phục, chặt chẽ.

Ông TÔ VĂN TÁM, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: “Tôi đề nghị cần xác định đối tượng vinh danh, cần làm rõ nghệ sĩ là gì, ai được coi là nghệ sĩ? Tôi thấy có cách hiểu rằng nghệ sĩ là người hoạt động trong một môn nghệ thuật sáng tạo, và như thế hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc, kiến trúc, nhiếp ảnh… đều là môn nghệ thuật. Nếu cách hiểu này là đúng thì phương án 1 là phù hợp, tuy nhiên cần có đánh giác tác động về việc mở rộng thêm đối tượng vinh danh danh hiệu này để Quốc hội có căn cứ xem xét, quyết định.”

Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Cá nhân tôi ủng hộ khoản 1 Điều 66…. Tuy nhiên đối với lĩnh vực kiến trúc, để thuyết phục được Đại biểu Quốc hội cũng như sau này thuận lợi cho quá trình triển khai thì cần nghiên cứu có những thể hiện chặt chẽ hơn. Tôi hiểu kiến trúc là hoạt động….Như vậy một công trình kiến trúc đẹp cũng là một sản phẩm của sáng tạo, xét ở lĩnh vực nghệ thuật là hoàn toàn xứng đáng. Tuy nhiên, để đạt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú ở lĩnh vực kiến trúc thì cũng cần phải làm rõ những đối tượng nào hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc được gọi là nghệ sĩ và có những quy định tường minh hơn cho danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú trong lĩnh vực kiến trúc.”

Suy cho cùng, việc sửa đổi luật là để đảm bảo bao quát hết được các đối tượng khen thưởng, và cũng như một đại biểu đã viện dẫn câu ngạn ngữ “Pháp luật chỉ là đạo đức tối thiểu còn đạo đức mới là pháp luật tối đa”. Sự động viên, khích lệ, ghi nhận kịp thời của Đảng, Nhà nước sẽ là nguồn động lực lớn lao để những người nghệ sĩ tiếp tục miệt mài lao động, tạo ra những tác phẩm có giá trị lớn, góp phần vào nền văn hóa đậm đà bản sắc của nước nhà. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa được tổ chức rất thành công và đầy ý nghĩa vừa qua.