Số ca nhiễm cúm A tăng bất thường khu vực phía Bắc

Số ca nhiễm cúm A tại khu vực phía Bắc, đặc biệt tại Hà Nội đang có xu hướng gia tăng, ở cả người lớn và trẻ em. Tính đến giữa tháng 7, thành phố Hà Nội đã ghi nhận hơn 2.500 ca nhiễm cúm. Đáng chú ý, bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân chứ không phải giữa lúc trời nắng nóng như thế này.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đơn vị đầu ngành về bệnh truyền nhiễm, 1/3 số bệnh nhân đến khám hằng ngày là do nhiễm cúm A. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, điều trị ngoại trú, riêng người có bệnh nền, phụ nữ mang thai được chỉ định nhập viện, như thai phụ 27 tuổi này, bị nhiễm cúm A ở tuần thai thứ 26.

Chị LÊ THỊ XUYẾN, Bệnh nhân nhiễm cúm A: “Ban đầu tôi sốt 39 độ nhưng uống thuốc không cắt sốt, ho, đau đầu”.

TS. Bác sĩ VŨ MINH ĐIỀN, Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: “Thời tiết biến đổi rất nhiều, một số bệnh không theo quy luật thông thường, người dân không nên chủ quan. Đặc biệt người có bệnh lý mãn tính như xơ gan, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy tim, ung thư v.v…”

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày tiếp nhận hơn chục ca nhiễm cúm A, cao hơn so với cùng kỳ mọi năm. Bé gái 2 tuổi này đã sốt cao 1 tuần nay, điều trị ở bệnh viện tuyến dưới nhưng không thuyên giảm, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi, phải thở máy. 

TS. Bác sĩ NGUYỄN VĂN LÂM, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương: “Biến chứng hay gặp nhất là sốt cao không hạ, co giật, biến chứng thần kinh viêm não do cúm, nhiều nhất là viêm phổi”.

Để chủ động kiểm soát và phòng ngừa, thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng bằng nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Tiêm vaccine phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Người lớn, trẻ lớn cần tiêm vaccine cúm nhắc lại hàng năm để duy trì khả năng bảo vệ trước sự biến đổi bất thường của các chủng cúm.

Bác sĩ TRẦN THỊ HẢI LINH, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: “Cúm là bệnh do virus và nếu được chẩn đoán, điều trị kịp thời sẽ đáp ứng tốt. Hiện tại, chúng ta có đầy đủ thuốc kháng virus đặc hiệu cung ứng sẵn tại bệnh viện. Nếu được điều trị kịp thời, thường bệnh nhân đáp ứng khá tốt, không có nguy cơ tiến triển nặng”.

Cúm A và Covid-19, sốt xuất huyết có triệu chứng khá giống nhau nên khi có dấu hiệu sốt, người dân nên đi khám sớm, sử dụng thuốc điều trị kịp thời, không nên tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng đáng tiếc. Đặc biệt, không nên tự ý mua thuốc, trích trữ và sử dụng thuốc kháng virus.

Tiến Dũng - Diệu Linh - Khánh Hoàng