• 1667 lượt xem
  • 16:23 18/04/2022
  • Văn hóa

Số hóa bảo tàng: Thấy gì từ con số 3 tháng đón lượng khách bằng hơn 1 năm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Xu hướng chuyển đổi số hiện nay, câu chuyện số hoá bảo tàng ở nước ta cũng được rất nhiều nhà quản lý, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng quan tâm, chú trọng. Khi đại dịch Covid 19 diễn ra suốt 2 năm qua, gây những tác động tiêu cực lên nhiều mặt của đời sống xã hội, nhiều bảo tàng phải đóng cửa thời gian dài, thì câu chuyện số hoá bảo tàng lại càng được nhắc đến nhiều hơn.

Chỉ cần một chiếc điện thoại hoặc thiết bị thông minh, khách tham quan có thể dễ dàng truy cập vào ứng dụng iMuseum của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là ứng dụng được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đưa vào vận hành từ tháng 4/2021, nhằm tăng tính kết nối với cộng động, và cũng giúp người xem có những trải nghiệm vượt trội hơn  khi tới bảo tàng. 

Với một khoản phí là 50.000 đồng, sử dụng trong 8 giờ cùng 8 loại ngôn ngữ khác nhau, sau khi khách tham quan quét mã QRcode trên các hiện vật được trưng bày trong bảo tàng, những thông tin sâu về hiện vật sẽ hiện ra bằng cả hình thức văn bản lẫn giọng nói. Như vậy, không cần đến hướng dẫn viên, khách tham quan hoàn toàn có thể tự mình làm chủ hành trình của mình, tự tiếp nạp những thông tin súc tích, cô đọng về hiện vật khi sử dụng phần mềm này. 

Anh TRẦN ĐĂNG KHOA - nghiên cứu sinh ĐH KHXH và Nhân văn, ĐH Quốc gia HN: “Theo tôi, trong xu thế chung hiện nay là giới trẻ rất là thành thạo sử dụng công nghệ, việc sử dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng sẽ làm giảm độ khó cho người trẻ khi tiếp cận việc bảo tồn di sản, giúp người trẻ trở nên hứng thú và tiếp cận với di sản nhiều hơn."

Ông NGUYỄN ANH MINH - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: “Sau 3 tháng ứng dụng này được đưa vào hoạt động, chúng tôi đã đón được hơn 80.000 lượt khách đến tham quan trực tuyến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, còn hơn số lượng khách chúng tôi đón trong 1 năm chưa có Covid-19. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà chúng tôi muốn hướng tới để làm sao phát huy giá trị của tác phẩm mỹ thuật, đặc biệt là khách quốc tế họ có thể thăm bảo tàng ở bất cứ nơi đâu.”

Trên thực tế, ngay từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D nhằm giới thiệu 2 trưng bày chuyên đề, tiếp theo đó năm 2016 là một số phần nội dung trưng bày thường trực  được giới thiệu trên website bảo tàng. Cùng với đó, trong vài năm trở lại đây, một số bảo tàng lớn ở cả Trung ương lẫn địa phương cũng đã thiết lập các tour tham quan bảo tàng ảo hoặc trưng bày chuyên đề 3D trên website, thế nhưng những kết quả đó chỉ mới bước đầu trong chặng đường số hóa mà thôi.  

Ông BÙI HOÀI SƠN - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Chúng ta thực tế đang ở trong những nấc thang đầu tiên trong quá trình số hóa. Nó có nhiều lí do nhưng có thể nói là chúng ta chưa chủ động trong quá trình số hóa bảo tàng, trừ một số bảo tàng lớn, mang tính tiên phong. Khi dịch bệnh COVID-19 càn quét, ảnh hưởng tiêu cực, lúc đó chúng ta mới nghĩ tới việc số hóa bảo tàng, nghĩ nhiều hơn tới tiếp cận khán giả, tới những người đến với bảo tàng từ xa, để duy trì hoạt động của mình.”

Nhằm tin học hóa các hoạt động bảo tàng, ngay từ năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những văn bản qui định việc xây dựng ngân hàng dữ liệu hiện vật trong các bảo tàng. Tuy nhiên, việc xây dựng dữ liệu số chỉ là một phần nhỏ trong công tác số hóa, khi công nghệ hiện nay đang phát triển như vũ bão. 

Số hóa không chỉ đơn giản là dữ liệu,  mà còn là sự tương tác, sự kết nối, sự tiện dụng cho những đối tượng mà bảo tàng muốn hướng tới. Xét trên một bình diện rộng như vậy thì đại đa số các bảo tàng ở nước ta đều có thể bị coi là chậm hơn thời đại. Câu chuyện về những thành công bước đầu trong chuyển đổi số của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là minh chứng rõ nhất cho việc "có đầu tư sẽ có thu hoạch.”

Anh Tuấn