Sở hữu trí tuệ là lá chắn pháp lý, là bệ phóng phát triển du lịch Thừa Thiên - Huế

Ngày 25/4, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị khoa học “Tạo lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ trong phát triển du lịch”. Các chuyên gia đều nhận định, sở hữu trí tuệ là lá chắn pháp lý giúp bảo vệ cũng như tạo bệ phóng phát triển cộng đồng du lịch Huế.

Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ giữa các địa phương về điểm đến, du lịch Thừa Thiên - Huế cần xây dựng đặc trưng riêng để thu hút du khách. Sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra điểm đến khác biệt. Địa phương này đã bước đầu xây dựng thương hiệu du lịch cho chợ quê cầu ngói Thanh Toàn, sen Huế, chỉ dẫn địa lý dầu tràm…

Tuy nhiên, việc bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm dịch vụ du lịch chỉ mới ở bước xác lập, việc khai thác hiệu quả còn nhiều khó khăn. Một số đặc sản tuy đã xây dựng thương hiệu nhưng chưa mở rộng được thị trường như nón Huế, hoa giấy Thanh Tiên… Một số hợp tác xã, hội nghề nghiệp vẫn chưa quan tâm đầu tư phát triển thương hiệu đã xây dựng.

Chị ĐỖ NGỌC QUỲNH CHÂU, Doanh nghiệp trà sen xứ Huế o Châu: “Những chương trình về sở hữu trí tuệ tạo ra với bản thân mình là 1 bước đột phá mới. Từ những chương trình đó, mình tạo ra những sản phẩm phù hợp cuộc sống hiện đại, phù hợp mọi lứa tuổi từ trung niên cho đến bạn trẻ”.

Ông NGUYỄN VĂN BẢY, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN: “Đối với du lịch của Thừa Thiên - Huế, chúng ta coi là du lịch văn hóa thì những yếu tố văn hóa là then chốt của phát triển du lịch. Chúng ta phải quan tâm bảo hộ yếu tố văn hóa làm nền tảng phát triển du lịch, nhiều góc độ sở hữu trí tuệ ngoài quyền tác giả thì phải bảo hộ nhãn hiệu, bí quyết, chỉ dẫn địa lý, ví dụ như các món ăn Huế”.

Các chuyên gia cũng nhận định, đối với lĩnh vực du lịch cộng đồng, Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo hỗ trợ người dân xác lập và phát triển sở hữu trí tuệ. Thừa Thiên - Huế cần sớm xây dựng nhãn hiệu liên kết dành cho các sản phẩm tương tự giống nhau ở các địa phương trong cùng một vùng như “du lịch miệt vườn”, “du lịch sông nước” để thống nhất xúc tiến hình thành và quảng bá các tour tuyến có giá trị cao trong vùng.

Tiểu Bảo