Sóng gió bủa vây Thủ tướng Anh

Sóng gió đang không ngừng bủa vây Thủ tướng Anh Liz Truss khi các thành viên đảng Bảo thủ dự kiến nhóm họp trong ngày hôm nay để thảo luận về tương lai của nhà lãnh đạo này. Động thái này diễn ra sau quyết định sa thải bộ trưởng tài chính Kwasi Kwarteng và hủy bỏ nhiều phần trong gói kích thích kinh tế đầy tham vọng mà bà Truss đề ra.

Quyết định mới nhất của Thủ tướng Liz Truss được nhiều chuyên gia đánh giá là chưa thể xoa dịu thị trường tài chính và sự giận dữ của các nghị sỹ đảng Bảo thủ. Nhiều thành viên trong đảng cầm quyền công khai kêu gọi bà Truss rời ghế thủ tướng. Các nghị sĩ cũng được cho là đã viết thư cho Thủ tướng yêu cầu bà từ chức, và cũng gửi thư bất tín nhiệm Thủ tướng tới Graham Brady, chủ tịch Ủy ban 1922, cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ.

Không chỉ riêng nghị sỹ đảng Bảo thủ mà ngay cả đảng đối lập cũng thấy cần có sự thay đổi cho chiếc ghê Thủ tướng.

Ông KEIR STARMER, Nghị sỹ đảng Lao động: “Chúng ta sẽ còn nghe thấy rất nhiều lời bào chữa nực cười trong những ngày tới. Sau 12 năm trì trệ, đây là những gì mà đảng Bảo thủ có thể làm. Ngay cả trong nội bội đảng cũng biết, bà ấy không thể sửa chữa mớ hỗn độn mà mình tạo ra.”

Các động thái diễn ra sau khi bà Truss trong cuộc họp báo ngày 14/10 thông báo quyết định sa thải bộ trưởng tài chính Kwasi Kwarteng và hủy bỏ nhiều phần trong gói kích thích kinh tế đầy tham vọng mà bà đề ra khi nhậm chức.

 Ông JEREMY HUNT, Tân Bộ trưởng Tài chính Anh: “Điều mọi người muốn hơn bất cứ điều gì khác là sự ổn định và theo quan điểm của tôi, đó cũng chính là những gì một Thủ tướng nên làm. Chúng ta không thể kiểm soát thị trường và không một Thủ tướng nào nên tìm cách làm điều đó.”

Một loạt trang nhất của các tờ báo lớn cũng đồng loạt đăng tải với nội dung liệu bà Truss có thể giữ được vị trí Thủ tướng trong bao lâu. Chẳng hạn, tờ Mirror với dòng tít “Đã đến lúc rồi (Time’s up)”, với sự kêu gọi ngày càng lớn cho một cuộc tổng tuyển cử và mong muốn thay đổi chính phủ.

Còn đối với người dân Anh, nhiều ý kiến trái chiều cũng được đưa ra khi nói tới tương lai của vị nữ Thủ tướng và nền kinh tế Anh.

Ông JOHNS OLIVER, Người dân Anh: “Điều này không phải là một bất ngờ lớn và đó là điều sẽ xảy a khi bạn cho phép các nhà lãnh đạo cả chính phủ được bầu bởi một nhóm cộng thiểu số. Hy vọng họ sẽ có những quyết định đúng đắn.”

 Chị EVE MITCHELL, Người dân Anh: “Tôi nghĩ họ nên để bà ấy có thêm cơ hội. Bà ấy đã có một khởi đầu đấy song gió trong vai trò thủ tướng rồi.”

Bất ổn tài chính liên quan đến các chính sách điều hành kinh tế của Thủ tướng Liz Truss trong thời gian vừa qua đã khiến uy tín của đảng Bảo thủ giảm mạnh. Bà không chỉ bị Công đảng đối lập chỉ trích nặng nề mà còn gây chia rẽ ngay cả trong nội bộ đảng Bảo thủ. Từ sau Brexit, 3 thủ tướng đã ra đi và bà Liz Truss có nguy cơ trở thành người thứ 4 nếu không tìm được cách cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế để xoa dịu các nhà đầu tư. Chính phủ và vị tân Bộ trưởng Tài chính mà bà vừa bổ nhiệm sẽ chỉ có 2 tuần để quyết định làm thế nào để lấp đầy một "lỗ đen" lên tới hàng chục tỷ bảng Anh trong ngân sách tài chính công.

Ngọc Anh