• 2270 lượt xem
  • 02:46 07/07/2022
  • Xã hội

Sự cố tăng điện áp bất thường: Luật sư nói gì về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho dân?

Thời gian qua, tại một số khu vực tại Hà Nội đã xảy ra sự cố điện áp tăng vọt bất thường, được nhận định là khá nghiêm trọng. Chính điều này đã gây ra sự cố mất điện trên diện rộng và khiến một số toà nhà chung cư cũng như nhiều gia đình bị cháy, chập thiết bị điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngay sau đó đã phát đi thông báo để lý giải về sự cố này.

Thiết bị điện chập cháy …, điều hoà bị hỏng…, một số ổ cắm bị cháy xém hoàn toàn… Đây là những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu bởi sự cố điện áp  tăng vọt bất thường xảy ra thời gian qua. Không chỉ có vậy, sự cố này đã gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng khiến cho người dân trong các toà nhà chung cư và văn phòng bị mắc kẹt trong lo lắng.

Tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết, vào lúc 13h ngày 4/7, hệ thống điện miền Bắc xuất hiện hiện tượng dao động điện áp dẫn tới  ảnh hưởng việc cung cấp điện. Nguyên nhân ban đầu là do thời tiết nắng nóng làm tiêu thụ tăng cao và một số tổ máy phát điện bị sự cố, đồng thời "mong nhận được sự thông cảm và chia sẻ của các khách hàng".

Không đồng tình với cách xử lý trên, người dân cho rằng thiệt hại do sự cố điện áp tăng vọt vừa qua là đã rõ. Trong trường hợp này Tập đoàn điện lực Việt Nam phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Chị NGÔ THỊ LỆ THUỶ, 24 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội: “Khi cung cấp điện cho mỗi hộ dân, bên điện lực và hộ dân đều có hợp đồng giữa 2 bên, trong đó có quy định rất rõ bên nào gây ra thiệt hại thì bên đó phải chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ qua sự cố lần này thì điện lực nên có thống kê và bồi hoàn những thiệt hại mà người dân phải chịu khi sự cố của bên điện lực gây ra.”

Ths. Luật sư HOÀNG HƯƠNG GIANG, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội: “Cần phải làm rõ cái nguyên nhân của việc tăng điện áp đó. Ví dụ trong trường hợp do nguyên nhân khách quan như kiểu là sét đánh hoặc do thời tiết, gây ảnh hưởng như kiểu tăng điện áp đột ngột đấy và nguyên nhân đấy con người không thể lường trước được thì vấn đề bồi thường thiệt hại không đặt ra trong trường hợp này. Tuy nhiên, nếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan từ việc quản lý của đơn vị điện lực, giám sát điện áp của đơn vị quản lý thiếu trách nhiệm, gây ra sự cố đó thì đơn vị quản lý sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân trong trường hợp này.”

Như vậy, có thể thấy rằng, trong trường hợp này các cơ quan chức năng sẽ xác định việc tăng điện áp đột ngột là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan để có thể xác định xem Tập đoàn điện lực có phải bồi thường hay là không. Nếu người dân không đồng ý với kết quả giải quyết của điện lực thì chỉ còn cách là khởi kiện ra toà. 

Trần Tiến