Sửa Nghị định 24 để xoá tình trạng chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước "không thể chấp nhận được"

Sáng 9/6 Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 về những nội dung liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. Vấn đề về giá vàng tiếp tục làm nóng nghị trường, các đại biểu đã liên tục chất vấn Thống đốc khi tình trạng giá vàng trong nước luôn cao hơn nhiều so với thế giới.

Cho rằng xử lý nợ xấu chỉ là phần ngọn của vấn đề, đại biểu Nguyễn Danh Tú - ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng cần phải có giải pháp phòng ngừa nợ xấu.

Ông NGUYỄN DANH TÚ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang: “Các giải pháp xử lý nợ xấu như Thống đốc nói chỉ là phần ngọn. Vấn đề là phòng ngừa phát sinh nợ xấu. Đề nghị Thống đốc cho biết trách nhiệm, giải pháp phòng ngừa nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng”.

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: “Hướng phát triển thời gian tới là phải tiếp tục nâng cao năng lực quản trị điều hành, kiểm soát rủi ro trong đó có rủi ro tín dụng. Các khâu phân định rất rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân cũng như các kênh kiểm soát lẫn nhau trong phòng ngừa. Đối với về quy trình thủ tục cho vay thì phải đảm bảo chặt chẽ, đảm bảo đúng điều kiện và tăng cường công tác thanh tra giám sát để thường xuyên cảnh báo đối với lại hoạt động cho vay để phòng ngừa rủi ro nợ xấu". 

Bà QUÀNG THỊ NGUYỆT - Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: “ Vấn đề là ở chỗ kiểm soát nợ xấu ứng mức quy định sẽ như thế nào trong hành lang pháp lý hiện hành. Ngoài việc đề nghị Quốc hội cho kéo dài thời gian áp dụng toàn bộ quyết định của Nghị quyết số 42 đến tháng 12 năm 2023, Ngân hàng Nhà nước có đề xuất, kiến nghị cụ thể gì thêm đối với Quốc hội về vấn đề này?"

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: “Công tác phòng ngừa rất quan trọng. Yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát rủi ro để tránh gia tăng nợ xấu. Khi có nợ xấu xảy ra thì phải có biện pháp xử lý. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là một cái vấn đề rất khó và cũng đòi hỏi sự đồng thuận cao của xã hội bởi vì chính sách thiết thực với doanh nghiệp và người dân. Trong tháng 10 này, NHNN đưa ra luật về phòng chống rửa tiền. Kỳ đầu tiên của năm sau phải luật hóa các khoản nợ xấu".

Tại phiên chất vấn chiều ngày 8/6  và sáng nay 9/6, do chưa thỏa mãn với câu trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, một số đại biểu Quốc hội đã liên tiếp đặt vấn đề về độc quyền vàng miếng SJC và chênh lệch "phi lý" giữa giá vàng trong nước nước và thế giới.

Ông TRỊNH XUÂN AN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: “Có lẽ Việt Nam là nước duy nhất đi ngược với thế giới là khi giá vàng thế giới giảm thì chúng ta lại tăng, có những lúc lên đến khoảng cách gần 20 triệu. Tôi nghĩ đây là chuyện không thể chấp nhận được".

Bà NGUYỄN PHƯƠNG THỦY - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Việc chúng ta độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia là SJC có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái giá vàng miếng SJC tăng cao như hiện nay hay không?"

Ông PHẠM VĂN HÒA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Nghị định 24 của Chính phủ đã ban hành cách đây 10 năm, thời điểm đó thị trường vàng trong nước mới 30 triệu đồng/lượng, còn nay đã 70 triệu đồng. Nghị định 24 của Chính phủ thời điểm đó đến nay có bất cập hay không?Tại sao chúng ta không sửa Nghị định?"

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: “Trong quá trình tổng kết, đánh giá Nghị định 24 trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của đại biểu và cũng sẽ xin ý kiến rộng rãi để xem chúng ta lựa chọn như thế nào, nhiều thương hiệu khác để cùng sản xuất vàng miếng hay là một thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước thì lúc đó chúng tôi cũng sẽ đánh giá, phân tích tác động và xin ý kiến, chắc chắn sẽ xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội."

Với vai trò quản lý nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ sẵn sàng điều tiết giá vàng nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật được thì người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều. Do đó, ngân hàng chưa can thiệp, chỉ trong trường hợp cần thiết mới tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp.