Suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ là bệnh cần được điều chỉnh trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Công tác chữa trị bệnh suy dinh dưỡng ở các tỉnh vẫn còn hết sức khó khăn. Có tới 90% các trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng không được điều trị. Trong khi đó, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) mặc dù đã cho ý kiến tại 2 kỳ họp dường như đang “ bỏ ngỏ” đối tượng này. Do vậy, một số đại biểu và chuyên gia đề nghị cần đưa việc khám và điều trị trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính nặng vào Luật.

Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện tại tỉ lệ suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở Việt Nam ước tính mỗi năm là 230.000 ca cần được điều trị. Trong đó, các tỉnh miền núi phía Bắc (60.000 ca), Tây Nguyên (38.000 ca), vùng dân tộc thiểu số (50.000 ca)… Tình trạng suy dinh dưỡng khá phổ biến ở trẻ có độ tuổi từ 6 đến 24 tháng và thường gặp ở những hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy mà nhiều trường hợp ở các vùng này rất nhiều trẻ mặc dù đã 3 tuổi nhưng chỉ nặng 8kg.

Hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia mặc dù đã bố trí một phần kinh phí để giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, tuy nhiên kinh phí còn rất hạn chế, phạm vi không bao phủ trong toàn quốc và chỉ thực hiện tại một số tỉnh khó khăn, trong một thời gian nhất định, không đáp ứng được hết nhu cầu điều trị của trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh những nỗ lực hiện có bằng cách đưa việc khám và điều trị trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính nặng vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Thảo luận nội dung này tại Kỳ họp thứ 4, một số đại biểu đề nghị rất cần có một khung pháp lý cụ thể ở trong luật lần này để có được cơ chế tài chính ổn định điều trị bệnh cho trẻ từ đó nâng cao trí tuệ, thể lực và giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ.

Suy dinh dưỡng cấp tính là một bệnh có thể phòng ngừa và điều trị. Nhưng nếu không được điều trị lại gây tử vong cao nhất. Trong khi đó, suy dinh dưỡng cấp tính nặng chỉ có thể được điều trị hiệu quả bằng cách sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt được kê đơn theo hướng dẫn y tế. Do đó, đã đến lúc đưa vấn đề này vào Luật - văn bản pháp lý cao nhất để bảo vệ sức khoẻ trẻ em.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Diệu Huyền