Tần số vô tuyến điện - tài nguyên đặc biệt nhưng chưa được sử dụng hiệu quả, UBTVQH yêu cầu giải trình nguyên nhân

Sáng 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đồng thời thảo luận cho ý kiến về các nội dung quan trọng và còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường, để khắc phục tình trạng 13 năm qua chưa đấu giá được tần số vô tuyến điện, Dự thảo Luật bổ sung một số quy định như: Thống nhất thu tiền cấp quyền với tần số vô tuyến điện có giá trị thương mại cao, áp dụng đối với cả 3 phương thức cấp phép là đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp; Làm rõ các trường hợp được áp dụng đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp; Giao Chính phủ quy định chi tiết xử lý các tình huống đặc thù của đấu giá trên cơ sở Luật Đấu giá tài sản; quy định về mức thu tiền cấp quyền đối với các trường hợp cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp. 

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban đề xuất 02 phương án quy định về việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế. Đồng thời lựa chọn không quy định nội dung này trong dự thảo Luật để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng phạm vi sửa đổi của Luật Tần số vô tuyến điện không nhiều nhưng rất quan trọng. Cơ quan soạn thảo cần đánh giá, giải trình đầy đủ hơn nguyên nhân đến nay vẫn chưa thực hiện đấu giá sử dụng tần số vô tuyến điện trong khi ở nhiều nước đây là “tài nguyên đặc biệt” mang lại giá trị kinh tế lớn.

Bên cạnh đó, các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, cần làm rõ tiêu chí để áp dụng cho từng phương thức đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp tần số. Đối với sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế cần tiếp tục thảo luận sâu sắc nhằm bảo đảm chủ quyền quốc gia, phù hợp với các quy định của pháp luật và cam kết quốc tế.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo luật, xin ý kiến hội nghị đại biểu chuyên trách cũng như ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội... để hoàn chỉnh dự thảo luật. 

Riêng về việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tiếp tục làm rõ nội hàm, cơ sở pháp lý, thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện tác động về mặt quy hoạch, kỹ thuật, trường hợp đặc biệt, yêu cầu bảo mật và kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; lựa chọn phương án tối ưu trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ tư.

Quang Sỹ