Tây Ban Nha đối phó với rác thải nhựa đại dương

Được mệnh danh là bãi biển đẹp nhưng giờ nước biển ở vùng Barcelona, Tây Ban Nha ngập trong rác thải nhựa. Để giải quyết tình trạng này, một dự án mang tên "Lướt sóng vì khoa học" đã ra đời góp phần làm sạch môi trường biển tại đây.

Đứng trên ván lướt sóng với sự hỗ trợ của các xuồng kayak, hàng chục tình nguyện viện lướt trên những con sóng mang về bờ những túi tảo biển kèm rác thải nhựa. Đây là một phần trong dự án mang tên “Lướt sóng vì khoa học” do đại học Barcelona khởi xướng từ năm 2020 nhằm nghiên cứu sự ô nhiễm của rác thải nhựa tại các vùng nước nông - trải dài từ vùng biển Catalonia, Địa Trung Hải đến biển Đại Tây Dương ở Đông Bắc Tây Ban Nha - nơi mà tàu thuyền không thể tiếp cận. Trong 2 năm qua, dự án đã thu hút hơn 300 tình nguyện viên với mục tiêu thu thập các mẫu rác thải có trong nước tại khu vực này.  

Chị NAIA ALBERDI, tình nguyện viên: “Bằng mắt thường, chúng ta cũng có thể thấy trong túi này có rất nhiều chất hữu cơ, tảo… nhưng nếu nhìn kỹ hơn thì còn có cả những thứ màu xanh lam cần được phân tích trong phòng thí nghiệm mới biết được. Nhiều người khi tắm ở đây không nhận thức được vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Nếu biết đang bơi trong nhựa, có lẽ họ sẽ không tới đây nữa.”

Thông qua những mẫu vật được các tình nguyện viên thu thập được trong 2 năm qua, các nhà khoa học hiểu hơn được mức độ ô nhiễm của đại dương như thế nào. Chỉ tính riêng một mẫu vật phẩm thu được hồi tháng 10 đã chứa đến 70 nghìn hạt vi nhựa, tương đương với nồng độ 45 mảnh vi nhựa trên một mét vuông diện tích mặt nước biển. Đây được xem là một chỉ số vi nhựa cao ở khu vực Địa Trung Hải.

Giáo sư ANNA SANCHEZ, Đại học Barcelona: “Chúng tôi muốn thu thập dữ liệu khoa học để biết được có những rác thải gì trong nước biển, chúng đến từ đâu. Biết được nguồn gốc của ô nhiễm rác thải nhựa này là gì cho phép chúng ta biết phải hành động như thế nào. Và chúng ta cũng biết rằng, có rất nhiều vi nhựa đến từ những đồ dùng 1 lần, điều này cho chúng ta biết cần chú trọng vào điều gì.”

Theo cảnh báo của các chuyên gia Liên hợp quốc hồi tháng trước, ô nhiễm rác thải nhựa đang là mối đe dọa lớn nhất đối với cuộc sống của con người và vùng biển. Mỗi năm có 11 triệu tấn rác thải nhựa trôi dạt về đại dương và con số này có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2040 nếu con người không có giải pháp ngăn chặn việc sản xuất, sử dụng và thải bỏ các đồ chứa bằng nhựa ra môi trường.

Hồng Nhung