Tây Nguyên chủ động điều tiết nước tưới mùa khô

Tây Nguyên có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 5 triệu ha, chiếm đến 91,75% diện tích đất tự nhiên của cả khu vực. Với diện tích đất phục vụ sản xuất lớn như vậy, vừa là lợi thế nhưng cũng vừa là thách thức không nhỏ khi khu vực này đang trong giai đoạn đỉnh điểm mùa khô. Từ kinh nghiệm chống hạn nhiều năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây nguyên đã dần thích ứng với biến đổi khí hậu. Vấn đề đảm bảo nguồn nước cho cây trồng dần được tháo gỡ.

Ông Y Khanh  là một trong những hộ đồng bào Ê Đê ở xã Cuôr Đăng (Chua Đăng), huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk tiên phong lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn sầu riêng xen cà phê. Trrước đây để tưới 1ha rẫy phải mất 3 đến 4 ngày, từ khi lắp hệ thống tưới tiết kiệm, gia đình có thể chủ động lên bật hệ thống tưới bất cứ thời điểm nào mà không phải tốn nhiều công sức, hiệu quả công việc tăng rõ rệt.

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp như mô hình tưới nước tiết kiệm là rất cần thiết, được các địa phương khu vực Tây nguyên khuyến khích nông dân thực hiện, nhất là đối với những nơi thường xuyên đối mặt với khô hạn cục bộ.

Cùng với đó, vì lưu lượng nước về các hồ chứa đạt thấp so với trung bình nhiều năm do hiện tượng El Nino, một số công ty thuỷ điện đang thực hiện giải pháp tối ưu để đảm bảo điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất dựa vào nhu cầu mùa vụ của các địa phương, vừa đảm bảo phát điện mùa khô.

Theo dự báo, việc điều tiết nước chống hạn có thể giúp người dân tưới đủ cho cây trồng đến cuối tháng Tư năm nay. Do đó, cần thực hiện các biện pháp ứng phó như: nạo vét lòng sông, tạo kênh dẫn, tranh thủ bơm nước vào ban đêm khi thuỷ điện xả nước; lắp đặt trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước nhằm hạn chế thiệt hại đến sản xuất.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Djuang Niê -

Việt Bảo