Tây Nguyên: Thiếu điều kiện đảm bảo cho giáo dục

Trong khi tại khu vực vùng sâu, vùng xa, bỏ học vẫn còn là một vấn nạn thì tại các khu vực đô thị, Tây Nguyên cũng phải đối diện với các vấn đề thiếu giáo viên, thiếu trường lớp và trang thiết bị. Điều này cũng đang đặt ra thách thức lớn cho ngành giáo dục nơi đây.

Thực hiện chương trình GDPT mới nhưng trang thiết bị làm thực hành, thí nghiệm của trường THCS Hùng Vương vẫn là những bộ đồ cũ. Có những món đồ còn tận dụng được, nhưng có những món đồ bám bụi đã lâu, khó mà tái sử dụng như thế này.

Học chay, thí nghiệm chay là cách mà nhiều nhà trường đang phải ngậm ngùi thực hiện khi điều kiện còn hạn chế. Và tất nhiên, người chịu ảnh hưởng hơn cả là học sinh.

Không chỉ thiếu trang thiết bị, nhiều trường còn thiếu cả phòng học, phải duy trì giảng dạy tại những phòng học chật chội, xuống cấp.

Tại trường tiểu học Nguyễn Công Trứ, có lớp lên đến 48 học sinh, trong khi điều lệ trường tiểu học quy định sĩ số tối đa là 35 em. Mỗi bàn có đến 5 học sinh, lớp thậm chí còn phải kê thêm bàn phụ để học sinh ngồi.

Thiếu phòng học thì dồn sĩ số, thiếu trang thiết bị thì tận dụng đồ cũ, nhưng thiếu giáo viên thì chưa biết phải làm sao. Tuy được giao thêm chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên nhưng ngành giáo dục nơi đây cũng phải đối diện với đòi hỏi giảm biên chế 10%, khiến cho bài toán nhân lực vẫn vô cùng nan giải.

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục đang được thực hiện trên cả nước, sẽ có những nơi đổi mới thuận lợi, có những nơi đổi mới khó khăn hơn. Tốc độ đổi mới không đồng đều ấy sẽ càng kéo giãn khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền. Với vùng đất đại ngàn Tây Nguyên vẫn còn đang loay hoay với những khó khăn đặc thù về kinh tế, về di dân, về đổi mới giáo dục, việc thay da đổi thịt cho giáo dục sẽ càng khó khăn hơn khi những điều kiện đảm bảo về con người hay vật chất vẫn còn thiếu thốn như vậy.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Phan Hằng