Tết là dịp để nhớ, để tri ân các thầy cô

Tết là dịp để cùng nhớ, cùng nhìn về 1 năm đã qua, cùng tri ân những người thầy, người cô. Song, những cống hiến của họ không chỉ trong một dịp, một đợt, mà họ vẫn luôn lặng lẽ sống với nghề dù điều kiện còn khó khăn, đãi ngộ còn hạn chế.

Là người dân tộc H’Mông, thầy Trừ hiểu rõ hơn ai hết con đường đến trường của học trò vất vả ra sao. Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy lựa chọn quay trở về quê hương. Suốt 12 năm qua, thầy luôn nỗ lực đem con chữ đến cho những đứa trẻ vùng cao Mù Cang Chải.

Là giáo viên từ thành phố biệt phái lên vùng cao Mù Cang Chải để hỗ trợ “điểm trắng” giáo viên tiếng Anh khi triển khai chương trình GDPT mới, cô Phương cũng dần trở nên gắn bó với học trò nơi đây.

Vì điều kiện đi lại khó khăn, cô Phương ở lại khu nội trú cùng các em học sinh. Có thêm thời gian để đồng hành cùng học trò, cô không chỉ giảng dạy trên lớp mà còn tổ chức thêm các hoạt động ngoại khóa về tiếng Anh cho mọi học sinh. Điều này giúp cho học sinh ở các khối lớp 1, lớp 2 được trang bị sẵn những kiến thức nền về môn học này, còn các bạn học sinh lớp 4, lớp 5 chưa được học tiếng Anh cũng có thêm cơ hội học tập.

Cũng giống như cô Phương, thầy Hải là một trong tám giáo viên từ thành phố Yên Bái tình nguyện lên “chia lửa” với khu vực miền núi Mù Cang Chải. Các em học sinh miền núi đôi khi còn chưa học sõi tiếng phổ thông, lớp học có lúc trộn lẫn cả 3 ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng H’mông.

Hiểu được những khó khăn đặc thù của giáo viên vùng cao cùng những hi sinh, nỗ lực của những giáo viên biệt phái, chính quyền địa phương cũng thực hiện mọi giải pháp để hỗ trợ thầy cô.

 Mỗi công việc, mỗi ngành nghề luôn có những đặc thù, những khó khăn riêng. Khó khăn, áp lực của nghề giáo không nhiều hơn, nhưng cũng không ít hơn những nghề khác. Và công việc nào cũng vậy, để theo được nghề, bám được nghề, luôn cần thật nhiều tâm huyết, nỗ lực, đôi khi cả hi sinh.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Như Huỳnh