• 1767 lượt xem
  • 04:54 19/03/2022
  • Kinh tế

Thách thức và triển vọng tăng trưởng xanh tại Việt Nam

Ngày18/03, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tổ chức Hội thảo tham vấn, xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 nhằm đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.

Theo các chuyên gia, tăng trưởng xanh là xu hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có đủ điều kiện tài chính, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng để đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh, nhất là khi Việt Nam là một quốc gia đang phát triển. 

Ông JAESEUNG JASON LEE, Trưởng đại diện Quốc gia tại Việt Nam, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI): “Thách thức tăng trưởng xanh đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam là làm sao có được những điều kiện và nguồn lực cần thiết để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh mà Chính phủ đã đề ra. Để đạt được điều này, Việt Nam sẽ cần đến sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và cả khu vực tư nhân nữa. Khu vực này sẽ có vai trò quan trọng trong việc mang đến những thay đổi thiết thực. Đây cũng là hai yếu tố quan trọng Việt Nam cần tăng cường thúc đẩy để đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh.”

Tham gia tăng trưởng xanh có nhiều chủ thể, trong đó doanh nghiệp và người lao động là những chủ thể quan trọng nhất vì tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất. Do đó, một số ý kiến đề nghị, khi xây dựng các quy định cần phải định hướng vấn đề bảo vệ môi trường ngay từ khâu thiết kế chính sách.

Ông NGUYỄN HẢI MINH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham): “Xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo tại các khu công nghiệp hay tại các nhà máy là tất yếu. Thậm chí ở đây không phải là mức độ khuyến khích nữa mà đối với các doanh nghiệp châu Âu thì đây gần như là một điều kiện về sự tuân thủ là phải có 1 tỷ lệ nhất định năng lượng tái tạo được sử dụng trong nhà máy. Như vậy, Việt Nam có thể cân nhắc có những chính sách khuyến khích, chính sách ưu đãi cho đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt là sử dụng điện mặt trời, mái nhà sau công tơ tại các nhà máy.” 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh phải góp phần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giúp Việt Nam phục hồi kinh tế trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 và đi tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới theo hướng xanh, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Việc xác định các hành động cụ thể cũng như là giải pháp cần tập trung ưu tiên để đạt được các cam kết đưa mức thải ròng về không phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng với chi phí chuyển đổi xanh hợp lý, khả thi, phù hợp với sức chống chịu của cả nền kinh tế, của các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Thứ 2 là đánh giá khái quát tình hình thực hiện cũng như chia sẻ các kinh nghiệm tốt của các địa phương về tăng trưởng xanh thời gian qua, cũng như các tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức trong thời gian tới.” 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, để đạt được hiệu quả, cần đánh giá được sự phù hợp, tính khả thi các nội dung của dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh khi thực hiện tại các địa phương trên toàn quốc. Bên cạnh đó, sẽ lắng nghe những ý kiến, kiến nghị để xây dựng các giải pháp, cơ chế, chính sách, công tác phối hợp để đảm bảo việc tổ chức thực hiện sẽ đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Phan Hằng