Thiếu nguồn cung, người lao động khó "chạm tay" vào nhà ở xã hội

Đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội được ban hành và đi vào cuộc sống. Song việc triển khai trên thực tế chưa đạt mục tiêu đề ra, thiếu nguồn cung dẫn đến nhiều đối tượng thu nhập thấp, người lao động còn khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội.

Để tháo gỡ tổng thể đồng bộ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, Chính phủ đang tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi), trình Quốc hội dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 10 tới. Theo đó, Dự thảo đã dành một chương riêng quy định về chính sách nhà ở xã hội. 

Cùng với việc triển khai theo kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, thì việc phát triển nhà ở xã hội cũng đang được triển khai theo chương trình đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.

Con số 1 triệu căn hộ tưởng chừng rất lớn nhưng cũng chỉ đáp ứng được 1 phần. Bởi nhu cầu về nhà ở xã hội trên cả nước đến năm 2030 là khoảng 2,4 triệu căn.

Nhiều chính sách gỡ vướng đưa ra được cho là nhân tố quyết định với phát triển nhà ở xã hội.

Cùng với đó là những quy định về giá bán, mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội, đơn giản hoá thủ tục khi xét duyệt cho người mua.  

Bên cạnh chính sách, thì quỹ đất là vấn đề được bàn thảo nhiều nhất. Thực tế, quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội còn thiếu rất nhiều. Bởi vậy, nhiều đại biểu cho rằng cần thiết giữ lại quy định trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư làm nhà ở thương mại khi cho ý kiến về dự thảo luật nhà ở sửa đổi.

Các thành viên trên thị trường cũng cho rằng, điều quan trọng lúc này là sự cần thiết phải thay đổi tư duy làm nhà ở xã hội. Diện tích có thể ở mức tối thiểu nhưng chất lượng phải được nâng lên ở mức chuẩn nhất định. Bên cạnh đó là xã hội hoá nguồn lực để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, đấu thầu để phát triển nhà ở xã hội.

Phát triển nhà ở xã hội, điều cốt yếu là đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân chứ không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở. Nội dung này được dành 1 chương riêng trong dự thảo luật nhà ở (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua dự kiến vào kỳ họp tháng 10 tới đây. Khi những chính sách này có hiệu lực được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc và tăng nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Hằng Nga -

Sỹ Cường -

Anh Đức -

Đào Nghĩa