Hà Nội có 700 dự án chậm tiến độ, quy mô khoảng 5.000 hécta đất, nguyên nhân chủ yếu do giải phóng mặt bằng

Tiếp tục giám sát “việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, ngày 22/08, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn, dành cả ngày làm việc với thành phố Hà Nội.

Trong giai đoạn 2016-2021 , công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố, là tiêu chí đánh giá công tác hàng năm của mỗi đơn vị. Thành phố đã tiết kiệm được 41.460 tỷ đồng, trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí NSNN. Tuy nhiên, Tổ công tác và các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, công tác chuẩn bị các thủ tục đầu tư còn chậm, dẫn đến kế hoạch đầu tư công trung hạn chậm được hoàn thiện, phải điều chỉnh nhiều lần. Một số dự án chậm phê duyệt; tiến độ chậm hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào khai thác sử dụng .

Ông NGUYỄN NGỌC SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Có nhiều dự án kéo dài trong vòng 20 năm, thậm chí lâu hơn. Tôi đề nghị phản ánh rõ các nguyên nhân theo nhóm, do khách quan, chủ quan, đặc biệt, Đoàn giám sát rất quan tâm vướng do văn bản pháp luật, văn bản dưới luật.”

Ông TRẦN HỮU BẢO, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội: “Dự án chậm tiến độ, các dự án trọng tâm có nguyên nhân chung về giải phóng mặt bằng, chưa nhận được sự đồng ý của người dân. Dự án đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách thành phố và ODA là những dự án lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam, hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn chưa đồng bộ.”

Các thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ ra, vẫn còn nhiều công trình, dự án được UBND thành phố giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng. Nhiều dự án các khu đô thị, diện tích đất để hoang, gây lãng phí.

Bà VŨ THỊ LƯU MAI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội: “Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội theo thống kê có hơn 400 dự án treo, các dự án đã được giao đất, thuê đất nhưng chậm hơn 700 dự án đã giao đất chậm đưa vào sử dụng. Các dự án này ở vị trí đắc địa, có nghĩa nguồn lực bị lãng phí.”

 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, đây là vấn đề mà HĐND và UBND thành phố đã tích cực trong giám sát, điều hành xử lý. Trước và sau năm 2008 khi Hà Nội hợp nhất tỉnh Hà Tây, 1 bộ phận tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, kể cả năng lực nhà đầu tư, qua các thời kỳ phát triển KT-XH, chính sách pháp luật khác nhau nên còn tình trạng dự án đầu tư chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng.

Ông DƯƠNG ĐỨC TUẤN, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội: “Đến nay chúng tôi có khoảng 700 dự án chậm, muộn, quy mô khoảng 5.000ha và đang tiếp tục rà soát. Nội dung này thì HĐND, UBND thành phố đang hết sức cố gắng để thiết lập các hệ quy chuẩn, tiêu chuẩn pháp lý và xu hướng là những dự án không đủ điều kiện pháp lý, Luật đầu tư thì sau 12 tháng kế từ thời gian cuối cùng của quyết định đầu tư, Luật đất đai thì 12 tháng kể từ ngày giao đất và gia hạn 24 tháng, trên nền tảng này sẽ khớp với hệ thống tiêu chuẩn tiêu chí và chắc chắn sẽ phải thu hồi để tạo ra nguồn lực.”

Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh Luật Đất đai theo hướng khảo sát, tổng hợp nhu cầu của người dân thuộc diện giải phóng mặt bằng về nhà tái định cư, từ đó lập phương án bồi thường và hỗ trợ tự lo tái định cư bằng tiền để người dân tái định cư; thành phố giới thiệu các quỹ nhà thương mại, nhà ở xã hội để người dân xét, lựa chọn và tự quyết định.

Thanh Nga