Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng thể chế

“Cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, rào cản”. Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ chuyên đề Xây dựng pháp luật. Đây cũng là phiên họp chuyên đề về pháp luật lần thứ 4 trong năm nay.

Tại phiên họp, Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với 6 dự án luật và đề nghị xây dựng luật. Trong đó có Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Dự án Luật Bảo về quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Dự án Luật Phòng thủ dân sự và Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Cùng với đó, xem xét đề nghị xây dựng Luật Dân số và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc trong bàn giao đất quốc phòng để xây dựng Nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận dân chủ, sôi nổi, trách nhiệm, Thủ tướng đánh giá cao các cơ quan trình, thẩm định, phối hợp và cơ quan có liên quan đã dành nhiều thời gian, công sức cho các dự án luật. Các dự án luật đã cụ thể hoá đường lối, chính sách của Đảng, bám sát quy trình, quy định xây dựng luật, vừa nâng cao chất lượng nhưng đảm bảo đúng tiến độ trình các cấp có thẩm quyền. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ rất quan tâm và tập trung cho công tác này.

Cùng với tăng cường tần suất họp để xem xét các dự án luật, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng pháp luật; nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thông qua rà soát thực tiễn, tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn về luật pháp, khoảng trống về pháp lý. Thủ tướng cho biết, vừa qua các đoàn công tác Chính phủ đi thị sát, thấy rõ nhiều vấn đề tồn đọng do các khoảng trống pháp lý, thiếu các quy định pháp luật, hoặc quy định không còn phù hợp. Có nhiều công trình, dự án kéo dài mấy chục năm. Có vấn đề đã được đề xuất từ những năm 2000, thậm chí trước đó nhưng vẫn chưa được giải quyết. 

Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng pháp luật phải huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Với mỗi dự án luật, cơ quan soạn thảo cần tiếp thu tối đa ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân để bao quát được các đối tượng điều chỉnh, tránh tình trạng bỏ trống, sót lọt. Thủ tướng lưu ý cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao năng lực cán bộ thực thi; cố gắng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. 

Diệu Linh