• 1743 lượt xem
  • 02:28 05/03/2022
  • COVID-19

Thủ tướng yêu cầu xem xét coi Covid-19 là bệnh đặc hữu thông thường

Biến thể Omicron, mặc dù dễ lây lan hơn, nhưng nhìn chung không làm cho mọi người bị bệnh nặng như biến thể Delta. Tại Việt Nam, tỷ lệ bao phủ vaccine trong cộng đồng đã tương đối lớn, hệ thống y tế bắt đầu thích ứng với mô hình dịch bệnh. Có lẽ đã đến lúc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch và có thể xem Covid-19 như một bệnh chuyên khoa đặc hữu.

Thành phố Hà Nội những ngày qua số ca F0 liên tục tăng và vượt đỉnh. Nhiều công ty, công sở không chỉ F0 mà F1 đều đồng loạt nghỉ việc ở nhà các ly dẫn đến thiếu hụt lao động. Nhiều ý kiến cho rằng sau khi phủ vaccine diện rộng, Việt Nam nên xem xét coi Covid-19 là bệnh đặc hữu thông thường.

Chị NGUYỄN THỊ KIM THOA, Thành phố Hà Nội: Thực tế tình hình hiện tại ở một số thành phố lớn có nền kinh tế trọng điểm, thậm chí số F0/F1 còn cao hơn rất nhiều so với những người không thuộc 2 nhóm cách ly này. Tuy nhiên không phải chuyển qua bệnh đặc hữu mà mình chủ quan. Theo tôi vẫn nên thực hiện đầy đủ 5K của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn. Việc công nhận là bệnh đặc hữu song song với việc hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ cho người dân theo tôi là nên xem xét áp dụng”.

Anh BÙI QUANG HUY, Thành phố Hà Nội:Công ty của tôi hiện giờ chỉ còn khoảng 30% nhân sự làm việc. Số còn lại đều là F0 hoặc F1 người nhà. Với khối lượng công việc nhiều nên dù có làm việc trực tuyến ở nhà thì 30% nhân sự còn lại cũng không thể làm hết công việc hàng ngày được. Do đó đề xuất nới lỏng các biện pháp phòng dịch sau khi phủ vắc xin như hiện nay tôi thấy là hợp lý”.

Việc xác định được Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu sẽ giúp chúng ta bình tĩnh sống với Covid-19 và chủ động mở cửa cho các hoạt động kinh tế - xã hội như trước thời điểm dịch bùng phát.

Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH: "Bộ Y tế phải đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh và thứ hai, nghiên cứu khoa học, đánh giá kháng thể chống virus trên bình diện tổng thể của đất nước ta là như thế nào rồi tham khảo kinh nghiệm quốc tế để chúng ta có biện pháp thích ứng linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 này một cách hiệu quả để chúng ta bình thường hóa với dịch bệnh này, xem dịch bệnh này là một bệnh đặc hữu”.

Giáo sư NGUYỄN ANH TRÍ, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: Không phải chuyển qua bệnh đặc hữu là mình sẽ buông thả, nhưng khi chuyển qua bệnh đặc hữu sẽ có cách phòng, chống tương ứng…

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần đánh giá thận trọng hơn về thời điểm xem xét Covid-19 là bệnh đặc hữu thông thường vì cho đến nay chưa thể chắc chắn việc kiểm soát dịch đã thực sự ổn định và tỷ lệ mắc mới cũng như tỷ lệ miễn dịch cộng đồng còn thấp.

Tiến sỹ NGUYỄN VĂN THƯỜNG, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang:Về lâu dài chắc chắc chúng ta phải coi Covid-19 là bệnh thông thường, nhưng ngay bây giờ và cụ thể là Hà Nội thì tôi nghĩ còn hơi sớm. Bởi vì đến bây giờ chúng ta vẫn còn một nhóm đối tượng nhất định vẫn đang cách ly, do vậy chúng ta phải có thời gian để tất cả các đối tượng này tiếp cận xã hội một cách rộng rãi để xem mức độ lây nhiễm thế nào, tỉ lệ chuyển biến nặng ra sao thì lúc đó chúng ta mới đưa ra đây là bệnh thông thường, bệnh đặc hữu”.

Việc xem xét phân loại Covid-19 thành bệnh đặc hữu cần nghiên cứu dựa trên mức độ virus lây lan, tỷ lệ ca nhiễm nặng, tử vong, cũng như nguy cơ chủng mới mới bùng phát thành đại dịch lớn. Tuy nhiên với nhiều biện pháp phòng dịch đang được áp dụng hiệu quả, hy vọng Bộ Y tế sớm có đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh.

Thanh Hải