Thừa Thiên - Huế: 19/350 dự án đầu tư công chậm tiến độ gây lãng phí, thất thoát nhưng chưa tìm thấy trách nhiệm

Câu chuyện lãng phí đầu tư công tại Thừa Thiên Huế không chỉ riêng dự án Trung tâm Văn hóa Thể thao phường Thuận An mà nhiều dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang có dấu hiệu lãng phí đầu tư công, khiến cử tri bức xúc. Địa phương đã thành lập các tổ công tác đặc biệt để rà soát từng dự án nhưng chuyện xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, trên địa bàn có 19/350 dự án đang bị chậm tiến độ do nguyên nhân: giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn lực, năng lực chủ đầu tư, đơn vị thi công, thiếu tính toán hợp lý khâu phân kỳ đầu tư. Thừa Thiên Huế đã thành lập 4 tổ công tác đặc biệt, do Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp phụ trách để giải quyết. 

Ông PHAN QUỐC SƠN, PGĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế: “Nguyên nhân chủ quan là các chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt triển khai đồng bộ dự án. Tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác rà soát các dự án đầu tư, trên tinh thần đó giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan nâng cao tính quyết liệt của chính quyền đưa ra các giải pháp phân loại các dự án đầu tư công. Dự án nào chậm giải phóng mặt bằng thì đẩy nhanh, rồi phân kỳ đầu tư lại để đưa vào sử dụng từng giai đoạn cho hợp lý, cái nào đã sử dụng thì yêu cầu phải có phương án phù hợp mục tiêu đầu tư.”  

Bên cạnh sự giám sát của nhân dân, vai trò giám sát của đại biểu dân cử cũng cần được thể hiện rõ mỗi khi thực hiện các dự án đầu tư công ngay từ khâu lập, thẩm định dự án cho tới khi công trình được đưa vào sử dụng. 

Ông PHAN THIÊN ĐỊNH, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế: “Giám sát ở đây không chỉ dừng lại ở việc đánh giá mà cùng các đơn vị đưa ra định hướng thúc đẩy phát triển, sử dụng hiệu quả các công trình không chỉ đầu tư mới mà đã đầu tư, kể cả một số công trình có vấn đề triển khai. Sự chùn lại đó kèm theo sự xuống cấp thì tất nhiên qua giám sát phải đánh giá để có phương án đầu tư nâng cấp phù hợp.”

Bà NGUYỄN THỊ SỬU, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: “Đúng là chúng ta đã ban hành khá nhiều luật, liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng còn thiếu điều khoản tiêu chuẩn liên quan, nhất là về mặt chế tài để xử lý những vấn đề lớn về hạ tầng, kinh tế, xây dựng cơ bản, các dự án quốc gia. Những dự án hạ tầng ảnh hưởng lớn đến dân sinh, diện mạo của một địa phương trên các mặt. Qua cái nhìn này tôi nghĩ cần điều chỉnh chủ trì liên quan đến Luật.”

Thừa Thiên Huế đang huy động nguồn lực để xây dựng tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước 2025. Việc đầu tư các công trình không cần thiết hoặc đánh giá sai khâu phân kỳ cùng với sự tham gia của nhà thầu kém năng lực sẽ là bài học để địa phương này chỉnh đốn lại công tác đầu tư công và chỉ ra những người phải chịu trách nhiệm đã gây ra lãng phí.

Tiểu Bảo