Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí dưới góc độ Giáo dục & Đào tạo như thế nào?

Tiếp tục giám sát về “việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, chiều 2/8, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, đã chủ trì buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh nêu nhiều câu hỏi về việc lãng phí trong các dự án, công trình sử dụng nguồn vốn ODA của Bộ, các đại biểu cũng cho rằng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí phải là ý thức thường trực của mỗi người dân, với trách nhiệm mình, Bộ giáo dục và Đào tạo cần tăng cường giáo dục từ các cấp học. 

Theo kết quả của Kiểm toán, trong quản lý và sử dụng nguồn kinh phí đối với các Chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2016-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thực hiện việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể của 23/24 chương trình, dự án, dẫn đến không có cơ sở đánh giá tiến độ và so sánh kết quả, mục tiêu đạt được hàng năm so với kế hoạch tổng thể. Việc thực hiện không đúng tiến độ đã gây lãng phí.

Ông LÊ THANH VÂN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội: “Ví dụ như 20 dự án, công trình vay ODA thì trong cả giai đoạn mới thực hiện 12 chương trình, còn 8 chương trình phải chuyển tiếp, mà vay đến hơn 22 nghìn tỷ đồng chứ có phải ít đâu.”

Thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc sử dụng kém hiệu quả với các dự án này.

Bà CAO THỊ XUÂN, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Đề nghị Bộ cũng báo cáo rõ thêm 2 dự án, một là dự án nâng cấp trường Đại học Cần Thơ, giải ngân rất chậm, phải hủy dự toán, thậm chí năm 2018 giải ngân 0% so với Kế hoạch giao, hoặc dự án xây dựng trường Việt Đức cũng vậy. Việc quản lý sử dụng vốn này có lãng phí không, có gây thất thoát không, nguyên nhân trách nhiệm thế nào?”

Ông NGUYỄN KIM SƠN, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Việc sử dụng vốn ODA, hiệu quả của chương trình mục tiêu kiên cố hóa trường học thì những việc này, chúng tôi cám ơn các ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát đã nêu, chúng tôi sẽ có rà soát chi tiết nội dung.”

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cùng với Khoa học-Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu. Sản phẩm quan trọng của ngành là bảo đảm nguồn nhân lực cho đất nước. Đoàn giám sát chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của lĩnh vực có liên quan đến từng gia đình, từng công dân. Tuy nhiên, hiện nay, trong nội dung 5 luật về giáo dục và đào tạo lại không có cụm từ nào về “tiết kiệm”, “lãng phí”. Vì vậy, vấn đề đặt ra là việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí dưới góc độ GD&ĐT như thế nào?

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Kể cả hiệu quả của sự nghiệp GD&ĐT với vấn đề nhận thức, ý thức, hành động, trách nhiệm của người công dân với vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí kể cả giai đoạn trước, trong giai đoạn này và mai sau, bởi vì suy cho cùng tiết kiệm, chống lãng phí cũng là ý thức, nhận thức, tư tưởng, tinh thần, trách nhiệm và lối sống của con người. Làm sao đừng để lãng phí bất cứ gì quanh ta, phải chăng điểm xuất phát cũng từ sự nghiệp GD&ĐT. Truyền thống của dân tộc mình cũng là 1 dân tộc tiết kiệm. Quan điểm, đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về cũng rất rõ. Phải chăng sự nghiệp giáo dục, trong các luật của mình phải đề cập sâu sắc hơn việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ các cấp học.”

Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả từ phương diện cá nhân đến phạm vi toàn xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, luật hóa về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần gắn chặt với giáo dục về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để mỗi công dân từ khi sinh ra đã được giáo dục bài bản về vấn đề này. 

Dương Dung