Kỷ luật lập pháp là vấn đề được nhắc đến nhiều nhất trong phiên họp Quốc hội sáng 24/5

Trong phiên thảo luận tại hội trường về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 sáng 24/5, kỷ luật lập pháp vẫn là vấn đề được nhắc đến nhiều nhất dù vấn đề này không mới.

Vấn đề kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật được nhắc đến thường xuyên tại các phiên họp về nội dung liên quan, và là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi” nhưng việc cải thiện, khắc phục vẫn chuyển biến chậm. Phiên thảo luận sáng nay cũng không ngoại lệ, khi vấn đề này lại một lần nữa được các đại biểu “chỉ mặt, gọi tên”.

Ông LÊ THANH VÂN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: “Việc điều chỉnh thường xuyên Chương trình xây dựng luật cho thấy tính ổn định, và chương trình của Quốc hội chưa bền vững. Điều chỉnh nhiều có nghĩa thay đổi nhiều, tính bất biến không ổn định. Xây dựng pháp luật là gốc rễ của quyền lập pháp, quyền lực của Quốc hội. Quốc hội đã thông qua rồi thì hạn chế mức tối đa việc điều chỉnh, như vậy mới là tôn trọng.”

Mặc dù, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ thời gian, trình tự, thủ tục trình hồ sơ dự án luật, tuy nhiên, việc đưa dự án vào chương trình xây dựng luật rồi lại rút ra vẫn như một điệp khúc, cứ thế lặp đi lặp lại. 

Ông PHẠM TRỌNG NGHĨA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn: "Từ đầu khoá 15 đến nay, UBTVQH đã 5 lần điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Có những dự án đưa vào lại xin lùi thời hạn, có dự án phải hoàn thiện báo cáo các cơ quan thẩm tra và UBTVQH vì chưa đảm bảo chất lượng mặc dù luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ thời gian gửi hồ sơ và đề ra yêu cầu cơ quan thẩm tra không tiến hành thẩm tra dự án dự thảo khi hồ sơ gửi không đúng thời hạn quy định. Nhưng nhiều hồ sơ dự án, dự thảo khi trình ra Quốc hội vẫn còn chậm."

Bà PHẠM THỊ MỸ DUNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An: “Lần này Chính phủ trình đưa vào, rút ra thì Quốc hội chắc cũng sẽ thông qua vì luật nào cũng có lý do cả”.

Đánh giá thành tựu nổi bật nhất trong công tác lập pháp của Quốc hội khoá 15 tính đến thời điểm này là đã thông qua được đề án về chương trình xây dựng pháp luật toàn khoá. Điều này làm thay đổi căn bản diện mạo công tác lập pháp. Song, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương lập pháp, một số đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, đưa chiến lược lập pháp trở thành quy định cho mỗi khoá Quốc hội.