Thực trạng đất các công ty nông lâm nghiệp tại Đắk Nông: Giao dễ, khó đòi

Hiện toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 16.600 ha trên tổng số gần 192.000 ha đất bị lấn chiếm tại các công ty lâm nghiệp nhà nước, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và chủ rừng khác. Đây là thông tin từ phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo giải quyết các vấn đề tồn tại chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong quản lý đất đai đối với diện tích các công ty nông lâm nghiệp giao về địa phương quản lý.

Đắk Nông có 38 doanh nghiệp/39 dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp được UBND tỉnh cho thuê đất với diện tích trên 30.000ha (trong đó có khoảng 9.000ha rừng tự nhiên). Hiện phần lớn các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Tình trạng thua lỗ, ngừng hoạt động, tranh chấp đất đai diễn ra ở nhiều dự án. Chủ dự án chưa chấp hành nghĩa vụ với Nhà nước và để rừng bị phá, lấn chiếm. Diện tích bàn giao về cho địa phương chưa được đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ chính. Các diện tích giao về cho địa phương chủ yếu bị người dân lấn chiếm, chưa xử lý dứt điểm hợp đồng giao khoán, liên doanh, liên kết. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thống nhất với quy hoạch 3 loại rừng dẫn đến nhiều vị trí quy hoạch bị chồng lấn.

Ông TRẦN ĐĂNG ÁNH, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông: “Về đất rừng phòng hộ huyện có 2.200 ha nhưng mà dân đang lấn chiếm. Hồi năm trước có quy định Ban quản lý xem xét giao khoán cho người dân đang sử dụng đất lấn chiếm để ổn định sản xuất. Có ban quản lý rừng phòng hộ nhưng hiện nay diện tích này ở Buôn Chóa lại đang giao cho xã quản lý.”

Việc thu hồi diện tích đất dự kiến giao về cho địa phương quản lý cần phải có sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, công khai minh bạch nhưng cũng cần sự linh hoạt để thực hiện một cách hiệu quả theo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Ông LÊ TRỌNG YÊN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông: “Đề nghị các đồng chí, lãnh đạo các huyện coi đây là công việc chung, là nhiệm vụ chính trị đặt lên hàng đầu vì chúng ta để thất thoát một nguồn thu không quản lý được là có tội, có lỗi với Đảng với Nhà nước và có lỗi với dân. Hơn 79.000 chúng ta mới thu hồi được hơn 60.000 còn 18.000 chưa thu hồi được từ các công ty lâm nghiệp và các doanh nghiệp mà không bố trí sử dụng hiệu quả gây thất thoát nguồn thu từ đất đai là lãng phí. Tất nhiên là khó thì chúng ta cùng tháo gỡ.” 

Phúc Hân