Tiếng nói cử tri |Số 14|: Khoáng sản bị đánh cắp: Liệu địa phương có dung túng, bao che cho sai phạm?

Ngoài câu chuyện công tác quản lý khoáng sản còn nhiều bất cập khiến cho các địa phương lúng túng thì có một thực tế là nhiều địa phương buông lỏng quản lý, thậm chí còn bao che, dung túng cho sai phạm. Chính vì vậy các điểm khai thác khoáng sản từ quy mô nhỏ đến rất lớn vẫn cứ xuất hiện hết năm này qua năm khác.

Khoáng sản bị đánh cắp đồng nghĩa với việc nhà nước sẽ thất thu tiền cấp quyền khai thác, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế và phí bảo vệ tài nguyên môi trường. Điều này không chỉ khiến cho nền kinh tế chịu nhiều thiệt hại trong thời điểm trước mắt mà số lượng và tốc độ khai thác còn khiến cho lượng dự trữ của thế hệ sau bị đe dọa vì cạn kiệt.

Vừa qua đường dây nóng Truyền hình Quốc hội Việt Nam liên tiếp nhận được nhiều phản ánh của người dân tại Huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh về tình trạng một số mỏ khai thác đất trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân. Cùng với đó là những bất thường trong hoạt động khai thác đất ở Vĩnh Phúc cần phải được làm rõ.

Trong khi đó, hơn 120 hộ dân tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng có liên quan phản ánh về tình trạng sụt lún mỏ đá vôi trên địa bàn khiến người dân sống trong cảnh bất an, lo sợ vì ngôi nhà của họ có thể sập bất cứ lúc nào. Điều đáng nói, đây là vấn đề đã được người dân phản ánh qua nhiều năm, thế nhưng những vấn đề của họ vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để.

Còn hàng trăm hộ dân sống tại xã Hà Bình, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng phản ánh về tình trạng khai thác đá đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân. Điều đáng nói, khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản lại nằm trong vị trí đất quốc phòng càng khiến cho người dân vô cùng bức xúc.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Trần Tiến