Tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn: Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà?

Sáng 19/8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo công bố báo cáo mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức.

Thực tế đã chứng mình, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn có thể giảm khai thác tài nguyên đầu vào; kéo dài vòng đời sản phẩm; giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường, tiếc là theo thống kê đến nay hiện chỉ có 3-6% doanh nghiệp của Việt Nam nắm rõ về kinh tế tuần hoàn.

Theo các đại biểu tham gia Hội nghị, hiện những doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế và phần lớn là những doanh nghiệp lớn hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. Những khó khăn đối với phát triển các mô hình kinh doanh tuần hoàn xuất hiện ở hầu hết các khía cạnh của hoạt động kinh doanh.

Ông TRẦN VĂN HIẾU, Phó Giám đốc Công ty CP Lagom Việt Nam: “Chúng tôi gặp khó khăn về thuế, làm tái chế, chúng tôi là đơn vị thu gom người bán ve chai không có hóa đơn, nhưng khi chúng tôi bán hàng chúng tôi phải nộp thuế. Hiện chưa có hướng dẫn nào về vấn đề này.” 

Ông NGUYỄN DUY THÁI, Giám đốc Economica Việt Nam: “Mặc dù đã có những chính sách pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp tuy nhiên vẫn còn rất hạn chế.” 

Ngoài ra, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi doanh nghiệp đã hoạt động trước đây phải thiết kế lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, từ khâu đầu vào nguyên liệu; thay vì thải ra môi trường như trước đây, chất thải được thu hồi tái sử dụng, tái chế hoặc đầu vào cho hoạt động sản xuất khác, vấn đề này liên quan đến mặt bằng, công nghệ, kết nối với doanh nghiệp trong một chu trình khép kín... cũng gây ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp muốn chuyển đổi mô hình kinh tế.

Trước yêu cầu đặt ra về một nền kinh tế tuần hoàn bền vững hơn đang giành được nhiều sự quan tâm của hầu hết các nước trên thế giới, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đã đưa ra một số khuyến nghị.

Ông NGUYỄN DUY THÁI, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam: “Muốn phát triển được kinh doanh tuần hoàn thì phải phát triển được các sản phẩm từ các mô hình kinh doanh tuần hoàn mà muốn vậy thì phải thúc đẩy được thị trường để tiêu thụ nó.” 

Ngoài ra các chuyên gia cũng cho cho rằng, cần đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp để xã hội hiểu và ủng hộ, nhất là với doanh nghiệp trước đây gây ra những bức xúc cho xã hội, tạo nên hình ảnh mới của doanh nghiệp từ "nâu" sang "xanh" dựa trên lợi ích tổng thể mang lại kinh tế - xã hội và môi trường của doanh nghiệp từ mô hình kinh tế tuần hoàn. 

Nhật Huy