• 1582 lượt xem
  • 18:48 15/07/2022
  • Kinh tế

Tiết kiệm điện - Giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên công suất tiêu thụ điện toàn quốc thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới là hơn 45.500 MW. Sản lượng tiêu thụ điện toàn hệ thống điện quốc gia lần đầu tiên vượt 900 triệu kWh, vượt xa mức đỉnh năm 2021. Do đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng.

 Đó là những vấn đề đặt ra tại Hội nghị tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2022 do Bộ Công thương tổ chức tại thành phố Đà Nẵng ngày 14/7. 

Dự báo, trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Do đó, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn 2020 - 2025 sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Hội nghị đã tập trung bàn thảo các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chia sẻ các mô hình hiệu quả năng lượng điện, thúc đẩy mạng lưới hoạt động tiết kiệm năng lượng… Trong đó, tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, kinh phí đầu tư cho các doanh nghiệp sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả.

Ngoài ra, cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển điện tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời mái nhà cũng được đề cập. Bởi nếu người dân chủ động được nguồn điện sẽ vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, môi trường, vừa góp phần đảm bảo an ninh nguồn điện quốc gia.

Ông TRẦN VIẾT NGUYÊN, Phó trưởng Ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam:Chúng tôi cũng mong Chính phủ cũng như các bộ ngành quan tâm đến cơ chế để khuyến khích, cụ thể là hỗ trợ tài chính như cơ chế cho phép họ vay ưu đãi khi doanh nghiệp đó áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Rồi quy trình thủ tục tại các ngân hàng thương mại khi cho doanh nghiệp vay cũng đơn giản hết mức có thể để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn này một cách thuận lợi”.

Song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp để đảm bảo đáp ứng nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Ông TRỊNH QUỐC VŨ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công thương: "Chúng tôi đánh giá đây là lĩnh vực tiềm năng còn rất lớn, và nếu chúng ta làm tốt được, có những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp thì chúng ta cũng tận dụng được lợi thế của Việt Nam – là 1 trong những nước nhiệt đới có tiềm năng rất lớn về điện mặt trời.

 Đây còn là giải pháp quan trọng đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050./. 

Lê Quang