• 1336 lượt xem
  • 05:01 21/05/2022
  • Kinh tế

Tiêu điểm 20/5: Giá thức ăn chăn nuôi tăng, nông dân “khó chồng khó”

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021 nước ta cần trên 33 triệu tấn nguyên liệu thức ăn tinh và 800 nghìn tấn thức ăn bổ sung để sản xuất thức ăn cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% với thức ăn tinh và 15% đối với nguồn thức ăn bổ sung, còn lại là nhập khẩu.

Do phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung nước ngoài nên giá nguyên liệu đầu vào cho thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng mạnh những tháng đầu năm nay đã tác động đáng kể tới ngành chăn nuôi, nhất là nuôi lợn.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có hơn 20.800 cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn quy mô từ 10 con trở lên với khoảng 11,7 triệu con, chiếm 41,6% so với tổng đàn lợn của cả nước; 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn quy mô lớn, đạt 5,8 triệu con, chiếm 20,7% tổng đàn. Số lượng đàn nuôi này đang chịu áp lực từ giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục trong 2 năm qua. Cụ thể:

Giá Ngô hạt trong tháng 3/2022 ở mức 10.200 đ/kg, tăng trên 29% so với cùng kỳ năm 2021. Giá Khô dầu đậu tương ở mức 16.500 đ/kg, tăng 33,4%. Bã Ngô ở mức 10.300 đ/kg, tăng 23%. Lúa mì ở mức 9.850 đ/kg, tăng 49,5%. Do giá nguyên liệu tăng nên giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp cũng tăng theo.

Giảm đàn chăn nuôi do giá đầu vào tăng cao

Với mức tăng từ 30 đến 50%, không chỉ chăn nuôi lợn mà hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên cả nước đã chịu tác động lớn. Đặc biệt, với những nông hộ nhỏ lẻ, không có nguồn cung nguyên liệu sẵn có, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường thì giá nguyên liệu đầu vào đang tạo nên áp lực lớn trong gần 2 năm qua.

Năm 2021, gia đình ông Mạnh nuôi 1.500 con vịt để tăng thêm thu nhập. Khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, lại ảnh hưởng đầu ra do dịch bệnh, ông phải giảm 500 con trong đàn. Tiếp đó, từ đầu năm đến nay, dù rất nỗ lực nhưng ông buộc phải đóng chuồng để bảo toàn vốn. 

Ông NGUYỄN KIM MẠNH, Xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội: "Mọi thứ nó lên quá cao, chăn nuôi nó không có lãi, không có đồng công. Bây giờ nuôi 1,2 nghìn vịt công 1 ngày được 1,2 trăm nghìn thì thôi nghỉ mà rủi ro nữa bắt buộc nghỉ, chưa kể dịch bệnh, chưa kể vấn đề khác đấy là suôn sẻ."

Còn với trang trại nuôi gà đẻ trứng này, để duy trì đàn gà 20 nghìn con, mỗi tháng phải tốn khoảng 7 tấn cám. Trong khi giá cám tăng “phi mã” mà thương phẩm bán ra lại rẻ, ông không biết trang trại có thể cầm cự được đến khi nào.

Ông CẤN VĂN THỦY, Xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội: "Giá cám từ đầu năm 2022 đến nay chỉ vào khoảng 210 nghìn 1 bao thế mà từ 2 tháng nay lên 50 nghìn 1 bao. Công ty lại chuẩn bị cuối tháng báo tăng tiếp người chăn nuôi rất là khó khăn. Đã chăn rồi thì mình vẫn phải chăn không lẽ giờ lại bỏ không."

Khó khăn chồng chất, rất nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Quốc Oai phải đóng chuồng, trại.

Ông NGUYỄN TUẤN VĂN, Chủ tịch Hội nông dân xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội: "So với cùng kỳ năm 2021 số hộ chăn gia cầm đã giảm xuống 35 đến 37 hộ và số lượng con đến thời điểm hiện tại là 58 nghìn con trên toàn địa bàn thì đến thời điểm hiện tại giảm 15,16 nghìn con gia cầm."

Trong khi đó, hàng loạt trang trại chăn nuôi lợn, gà công nghiệp ở các tỉnh miền Đông Nam bộ đang rơi vào cảnh cầm chừng, đóng cửa hoặc chuyển sang nuôi gia công cho các công ty. Lý do cũng bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, chi phí đầu vào tăng trong khi giá xuất bán lại không tăng dẫn đến thua lỗ. Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết chi phí cám chiếm tới 75%-80% chi phí chăn nuôi lợn. Vì thế, khi giá cám tăng cao khiến nhiều người lỗ dẫn đến số lượng trại lợn nuôi tự phát nhỏ lẻ giảm dần.

Siết chặt quản lý thức ăn chăn nuôi

Để bảo đảm chất lượng thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh giá tăng “phi mã”, ngành nông nghiệp đã và đang tiếp tục siết chặt công tác quản lý. Đồng thời các trang trại, HTX và hộ chăn nuôi đã chủ động thích ứng với những giải pháp khác nhau.

Công ty cổ phần giống vật nuôi Hà Nội vừa chăn nuôi lợn thịt, vừa cung cấp lợn giống. Tổng đàn lợn luôn duy trì 2500 con, trong đó có 400 lợn sinh sản. Dịch bệnh cùng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, chăn nuôi thua lỗ, các hộ không dám tái đàn khiến cho số lượng lợn giống xuất bán cũng giảm, đạt khoảng 60-70%. Công ty đã giảm số lượng, tăng chất lượng đàn lợn nhằm tăng hiệu quả chăn nuôi. 

Ông NGUYỄN ĐỨC SANG, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Giống vật nuôi Hà Nội: “Chúng tôi tăng cường thanh lọc, loại thải những cá thể có năng suất chất lượng thấp những cá thể già làm giảm chất lượng để giữ lại những cá thể năng suất, chất lượng cao cũng như là tổng đầu con nhằm giảm chi phí thức ăn cho đầu con trên 1 kg tăng trọng.”

Còn tại trang trại này, nếu như trước đây tự nhập nguyên liệu đầu vào để phối trộn thức ăn thì nay để tiết giảm chi phí đã thuê một nhà máy thức ăn chăn nuôi thực hiện. Nguyên liệu được nhập qua nhà máy với số lượng lớn đã giúp hợp tác xã chăn nuôi vẫn có lãi dù không nhiều.

Ông NGUYỄN ĐÌNH TƯỜNG, Giám đốc hợp tác xã Đồng Tâm, Cấn Hữu, Quốc Oai, Hà Nội: “Hiện tại HTX cũng vẫn đang ở cái mức là có lợi nhuận nhưng cũng không biết thời gian tới như thế nào cũng phải phụ thuộc theo cái giá thành sản xuất đặc biệt là cái nguyên liệu cám.” 

Hay như cánh đồng cỏ mombasa đạt kỷ lục lớn nhất thế giới tại Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An của tập đoàn TH đã góp phần tự chủ cho nguồn nguyên liệu thức ăn tươi xanh cho hàng ngàn con bò sữa. 

Ông NGUYỄN LÊ THĂNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty AGITEC, Tập đoàn TH: "Giống mombasa có lợi thế là trồng 1 lần cho thu hoạch liên tục 6,8,10 lần 1 năm và gốc cứ lưu năm này qua năm khác thế nên nó thể hiện được ưu thế vượt trội về chất lượng, năng suất, tính thích nghi."

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), bên cạnh chủ động nguồn cung, để đáp ứng nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi trong nước cần đẩy lùi tình trạng sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi kém chất lượng. 

Ông TỐNG XUÂN CHINH, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT: “Các tỉnh phải quy hoạch vùng chăn nuôi, đảm bảo môi trường, tiến tới kiểm soát đầu ra và ngược lại. Dứt khoát chúng ta phải có giải pháp chuyển đổi số, có dữ liệu chăn nuôi để nắm được có bao nhiêu cơ sở sản xuất, chăn nuôi nông hộ trang trại để nắm được sản lượng.”

Mặt khác, cần kiểm soát chặt chẽ việc ủy quyền của các đơn vị để giám sát chất lượng nguyên liệu sản xuất cũng như thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; kiểm soát chặt chẽ chất lượng và an toàn thực phẩm thức ăn chăn nuôi trên thị trường.

Thay đổi cách thức sản xuất để giảm áp lực

Thực tế cho thấy, sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới. Cụ thể, mỗi năm cả nước cần hơn 33 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, nhưng thị trường trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn (chiếm 40%), số còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Vậy làm thế nào để chủ động nguồn thức ăn cho người chăn nuôi, mời quý vị theo dõi qua phần chia sẻ sau.

Phóng viên HÀ LAN: “Giảm chi phí nguyên liệu đầu vào đang là ''bài toán'' khó cho ngành chăn nuôi. Cần làm gì để giảm chi phí thức ăn, tận dụng và tạo ra nguồn cung thức ăn chăn nuôi ổn định trong nước, thưa ông?”

Ông NGUYỄN XUÂN DƯƠNG, Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Có ba vấn đề cần được quan tâm, trước hết là việc nhập khẩu vẫn phải tiếp tục được nhập khẩu nhưng chúng ta phải giảm chi phí nhập khẩu. Và giảm ở khâu nào thì phải giảm ở khu logistic chúng ta giảm thì sẽ tốt. Thứ hai là giảm từ các nguyên liệu nhập khẩu và trong nước. Trong nước những gì có thể làm thức ăn chăn nuôi thì phải tận dụng không phải là sử dụng thô mà phải áp dụng các kĩ thuật để chế biến ở mức nâng cao. Thứ ba là chi phí trong quá trình sản xuất, người sản xuất hoặc các công ty sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải giảm mọi chi phí để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi và người chăn nuôi thì sử dụng thức ăn chăn nuôi một cách có hiệu quả nhất. Hiệu quả ở đây là con giống, tốt, kiểm soát dịch bệnh tốt, chuồng nuôi tốt để con vật chỉ ăn và tập trung cho cái sữa, tăng trọng lượng.”

Phóng viên HÀ LAN: Vậy chúng ta cần chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, đào tạo, hỗ trợ người dân trong chăn nuôi như thế nào nhằm giúp họ chủ động sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào thị trường?”

Ông NGUYỄN XUÂN DƯƠNG, Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Chúng ta cứ chăm chăm tìm mọi cách để giảm giá thức ăn trong khi ra thức ăn chúng ta nhập khẩu đến 80 tới 70 % thức ăn tinh. Còn nếu thức ăn chăn nuôi công nghiệp nhập khẩu từ 80 đến 90 %. Chúng ta chăm chăm giảm nhưng vấn đề này lại không nằm trong tay chúng ta có nhiều biện pháp nằm trong tay chúng ta cần phải tăng cường để giảm các chi phí sản xuất đó là quy trình chăn nuôi, kỹ thuật chăn nuôi, chất lượng con giống những vấn đề này chúng ta chưa đáp ứng được ngưỡng thì người chăn nuôi nhất là chăn nuôi nông hộ cần phải chú ý điều này. Phải áp dụng thật tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để tránh dịch bệnh, tránh ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hay là chăn nuôi tuần hoàn để tận dụng các sản phẩm của quá trình chăn nuôi. Chúng ta sẽ tăng cường kiến thức cho người dân nhất là những chăn nuôi nông hộ, đó là hệ thống khuyến nông để làm sao người chăn nuôi là công nhân kĩ thuật ở trình độ thâm canh cao được học tập đào tạo thì mới quản trị được kỹ thuật, quản trị thị trường trong quá trình tổ chức sản xuất chăn nuôi.”

Rõ ràng, ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đã và đang đối mặt với không ít vấn đề nội tại khi phần lớn nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu. Không chỉ bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí “đầu vào” tăng cao, ngành chăn nuôi nước ta còn phải đối mặt với những bất ổn từ thị trường, dẫn đến phát triển thiếu bền vững. Do vậy, rất cần những giải pháp căn cơ để Việt Nam chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cung ứng cho thị trường trong nước.

Hà Lan