Tiêu điểm: Bước chuyển mạnh sang sản xuất cà phê bền vững

Cà phê là một trong những nông sản xuất khẩu mũi nhọn của nước ta, mang lại thu nhập cho hơn 700.000 nông hộ. Nhưng đây cũng ngành hàng phát thải carbon đáng kể. Hàng năm, sản xuất cà phê Robusta phát thải khoảng 800.000 tấn CO2. Các trang trại trồng cà phê độc canh, mỗi năm giải phóng 0,37 tấn CO2 trên mỗi tấn cà phê được sản xuất.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, người nông dân đã thực hiện các giải pháp gì để giảm phát thải trong canh tác cà phê và còn những khó khăn, thách thức gì để phát triển cà phê bền vững.

Khu vực Tây Nguyên với vai trò cung cấp 95% sản lượng cà phê của nước ta. Ý thức được những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và hướng đến trồng cà phê bền vững hơn, các nông hộ, Hợp tác xã ở Tây Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp giảm phát thải trong canh tác cà phê và mang lại hiệu quả cao về cả kinh tế và môi trường.

Trước đây gia đình anh Phương ở Đắk Lắk trồng 2.4ha cà phê độc canh, thường sử dụng lượng lớn phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật để tăng năng suất. Nhưng kết quả mang lại đất bị thoái hoá, cây cà phê cũng già cỗi, sâu bệnh nhiều. Từ khi tham gia vào chuỗi liên kết trồng cà phê bền vững, giảm phát thải của Hợp tác xã EA Tân, phương thức, quy trình sản xuất của gia đình anh dần thay đổi. Vườn cây được bón chủ yếu bằng phân bón hữu cơ chế biến từ vỏ cà phê, hạn chế tối đa phân bón hoá học, cùng với đó thực hiện trồng cây xen canh, che bóng, giúp hấp thụ lượng carbon tốt hơn, giảm tác động xấu đến môi trường, giảm chi phí đầu tư mà café vẫn cho năng suất ổn định.

Hiện các hội viên của Hợp tác xã EA Tân còn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, kết hợp bón phân qua nước tưới giúp tiết kiệm được 30 - 40% lượng nước, phân bón và tiền điện so với cách tưới thông thường. Hệ thống tưới tự động có ưu điểm lớn là nhờ có van điều áp, nên nước ra đều trên tất cả các vị trí, giúp mọi cây được cung cấp lượng nước đều nhau và hạn chế cỏ dại do bề mặt vườn cà phê luôn khô ráo.

Để sản xuất cà phê bền vững, giảm phát thải nhiều địa phương đã phát triển trồng xen cà phê với các loại cây trồng khác như bơ, điều, sầu riêng… cho lợi nhuận trồng thêm từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng mỗi héc ta. Nếu như các trang trại trồng cà phê độc canh mỗi năm giải phóng 0,37 tấn CO2 trên mỗi tấn cà phê được sản xuất. Ngược lại với các trang trại cà phê đa dạng là các bể chứa carbon, mỗi năm phát thải 0,16 tấn CO2 trên mỗi tấn cà phê được sản xuất.

Đặc biệt, để khuyến khích bà con tham gia nhiều hơn vào quá trình canh tác bền vững, giảm phát thải, ở Hợp tác xã Minh Toàn Lợi còn có cách làm hay đó là cho thành lập quỹ hỗ trợ sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để hạn chế tình trạng khói bụi gây ô nhiễm môi trường từ các lò sấy cà phê, từ năm 2021 HTX Minh Toàn Lợi, còn đầu tư hệ thống sấy đa năng bằng năng lượng mặt trời thay thế gần như hoàn toàn cho hệ thống sấy bằng củi. Hệ thống này đã giúp rút ngắn thời gian sấy, nâng cao chất lượng cà phê nhân và góp phần bảo vệ môi trường hiệu quả.

Sản xuất cà phê phát triển bền vững, trên nền tảng thích ứng với BĐKH với việc sử dụng nước, năng lượng, phân bón và thuốc trừ sâu hợp lí là phương pháp cần được các nông hộ, HTX thực hiện rộng rãi. Tuy nhiên, trên thực tế, phát triển ngành café bền vững, giảm phát thải hiện nay vẫn còn đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức.

Báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chỉ ra, sản xuất cà phê hiện gặp khó, quy mô manh mún, nhỏ lẻ. Chính vấn đề về tư duy, nhận thức, thói quen canh tác, và thiếu nguồn vốn, kinh phí để đầu tư các thiết bị, phương pháp giảm phát thải là những thách thức lớn trong phát triển vùng nguyên liệu café bền vững.

Nhận thức được vai trò của việc liên kết với người nông dân tạo ra vùng nguyên liệu cà phê bền vững và chuyển đổi tư duy kinh doanh từ sản lượng sang chất lượng, đa giá trị và bền vững, nhiều mô hình doanh nghiệp hợp tác với người nông dân trồng cà phê Tây Nguyên đã được triển khai. Trong tương lai, để phát triển càfê bền vững ở Việt Nam, cần sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, sự dẫn dắt của cộng đồng doanh nghiệp, liên kết chung tay cùng với các nông hộ.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!